Mạng xã hội sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nêu thực tế mạng xã hội lấy 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, nhưng vi phạm bản quyền báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần quy định các mạng xã hội phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí khi sử dụng sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về truyền thông chính sách trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) nêu thực tế cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí.

Đặc biệt là với phát thanh truyền hình, các thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông đang gây khó khăn cho các cơ quan báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phải giải quyết vấn đề này trong quý III/2023, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đại biểu Nghĩa đặt vấn đề với Bộ trưởng về thời gian hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế, kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng và các chính sách đột phá để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

Trao đổi với đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trước đây, nguồn thu của báo chí gần như 100% dựa trên quảng cáo, nên báo chí không quan tâm nhiều đến chuyện đặt hàng. Nhưng gần đây, khi truyền thông xã hội, mạng xã hội đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, chỉ còn 30%, thì cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng trở thành quan trọng.

3 thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành liên quan đến việc định mức kinh tế kỹ thuật gần đây đã bộc lộ nhiều điểm khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận ra vấn đề này và Bộ nhận trách nhiệm về việc ban hành những thông tư khó thực hiện khi áp dụng triển khai.

Cũng theo Bộ trưởng Hùng, ông đã làm việc với các cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ và đã có hướng giải quyết: Bộ sẽ sửa 3 thông tư này theo hướng ban hành hướng dẫn và để cho các cơ quan báo chí chủ động thực hiện việc định mức kinh tế kỹ thuật.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để sửa Nghị định 60, liên quan đến ban hành giá cụ thể, theo hướng giảm các thủ tục hành chính.

Về việc sửa 3 nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện xong trong quý I/2024.

Nói về các giải pháp mang tính căn cơ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra 3 vấn đề:

Thứ nhất, phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí thay vì chỉ dựa trên quảng cáo; phải thêm phần đặt hàng của các cơ quan chủ quản, của xã hội. “Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động” - Bộ trưởng Hùng nói.

Thứ hai, các cơ quan báo chí cần phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mang tính phân tích có thu phí. Đây cũng là một xu hướng lớn của thế giới.

Thứ ba, mạng xã hội thu đến 70% quảng cáo nhưng sử dụng khá nhiều các sản phẩm báo chí, vi phạm bản quyền báo chí.

Vì thế, theo quan điểm của ông Hùng, trong sửa đổi thể chế sắp tới, Bộ sẽ quy định các mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí.

MXH hoạt động ở Việt Nam phải có cơ chế nhận phản ánh của người dân

Cũng về vấn đề quản lý mạng xã hội, trao đổi với đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục nêu quan điểm về việc tháo gỡ thông tin sai sự thật, cũng như thay đổi nhận thức về lĩnh vực quản lý trên không gian mạng.

Chat van toan canh.jpg
Các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về lĩnh vực quản lý mạng xã hội.

Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, về mặt quản lý mạng xã hội, nhất là mạng xã hội xuyên biên giới, Việt Nam đã có những bước tiến lớn so với các nước khác.

Năm 2018, tỷ lệ các mạng xã hội xuyên biên giới thực thi luật pháp Việt Nam về tháo gỡ thông tin xấu độc chỉ đạt tỷ lệ từ 10 - 20% và đến năm 2023, tỷ lệ đã là 90-95%. Năm 2018, tỷ lệ thông tin xấu độc về các lãnh đạo chủ chốt có lúc là 70%, bây giờ thấp, xung quanh 10%.

“Bây giờ chúng ta sẽ làm gì để cải thiện tình hình khi vẫn còn nhiều thông tin xấu độc liên quan đến người dân?” – Bộ trưởng Hùng đặt vấn đề và đưa ngay phương án xử lý: Trước nhất, về mặt quy định pháp luật, các mạng xã hội phải có trách nhiệm tự rà quét - chỗ này là mới - và tự tháo gỡ. Bất kỳ mạng xã hội nào hoạt động ở Việt Nam phải có cơ chế nhận phản ánh của người dân, nhận phản ánh của chính quyền các cấp để tháo gỡ.

Bộ đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia từ hơn 4 năm nay, với cơ chế tự rà quét và tự tháo gỡ. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc ở mức quốc gia và sắp tới sẽ ban hành quy định để các địa phương phải có trung tâm này để hỗ trợ người dân.

“Như vậy, cơ chế chúng ta đủ, nhưng bộ, ngành, địa phương và cả người dân cũng cần am hiểu các kỹ năng số để chủ động ứng phó. Khi các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn về việc tháo gỡ thông tin do mình phát hiện ra - nếu đề xuất lên các mạng xã hội không được - thì thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.