Vào tháng 1/2021, CEO Microsoft Satya Nadella đã có bài phát biểu về việc đại dịch Covid-19 năm đầu tiên đã dẫn đến sự thay đổi đáng kinh ngạc như thế nào đối với các dịch vụ trực tuyến và mang lại lợi ích ra sao cho công ty. Ông nói: “Những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm qua là buổi bình minh của làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số thứ hai đang càn quét mọi công ty và mọi ngành công nghiệp”.
Hai năm sau, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Microsoft đã lên kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên sau hơn một năm chi mạnh tay cho các kế hoạch phổ cập nội dung trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, tình hình bất ổn kinh tế lan rộng cũng khiến Microsoft gặp khó khăn trong vấn đề chi phí trả lương cho nhân viên. CEO Microsoft, Nadella cho biết hiện khách hàng của công ty đang cố gắng "làm nhiều hơn với chi phí thấp hơn".
Microsoft không phải là công ty duy nhất như vậy. Công ty mẹ của Google, Alphabet cũng có kế hoạch sa thải tương tự và cho biết họ có kế hoạch cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, chiếm hơn 6% nhân viên của các công ty này.
Trong ba tháng qua, Amazon, Google, Microsoft và Meta, công ty mẹ của Facebook đã công bố kế hoạch cắt giảm hơn 50.000 nhân viên, một sự đảo ngược đáng kinh ngạc so với những ngày đầu đại dịch khi các công ty này tuyển dụng thêm nhiều nhân viên để đáp ứng nhu cầu mua sắm và làm việc trực tuyến mạnh mẽ. Vào thời điểm đó, nhiều nhà lãnh đạo công nghệ mong đợi sự tăng trưởng đó sẽ vẫn tiếp diễn và không suy giảm.
Đến tháng 9 năm 2022, Amazon đã tăng hơn gấp đôi số nhân viên công ty so với cùng thời điểm vào năm 2019, thuê thêm hơn nửa triệu công nhân và mở rộng đáng kể diện tích kho hàng của mình. Meta tăng gần gấp đôi số lượng nhân viên từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 9 năm ngoái. Microsoft và Google cũng đã thuê thêm hàng nghìn công nhân.
Nhưng nhiều người trong số những nhà lãnh đạo đó dường như đã đánh giá sai mức độ tăng trưởng do đại dịch sẽ tiếp tục khi mọi người quay trở lại cuộc sống thường ngày của họ.
Trong những tháng gần đây, lãi suất cao hơn, lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế gây ra sự sụt giảm trong quảng cáo và chi tiêu của người tiêu dùng, tất cả đều ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty công nghệ. Theo ước tính của Refinitiv, các nhà phân tích Phố Wall hiện dự đoán mức tăng trưởng doanh thu ở mức một con số trong quý tháng 12 cực kỳ quan trọng đối với Google, Microsoft và Amazon, đồng thời giảm đối với Meta và Apple khi họ báo cáo thu nhập trong những tuần tới.
Việc cắt giảm nhân sự gần đây chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số nhân viên của mỗi công ty. Tuy nhiên, nó vẫn đảo lộn cuộc sống của nhiều nhân viên vì họ đang phải tìm kiếm công việc mới sau một thời gian dài gắn bó.
Scott Kessler, lãnh đạo toàn cầu về công nghệ, truyền thông và viễn thông tại công ty đầu tư Third Bridge cho biết: “Họ đã đi từ vị trí dẫn đầu thế giới đến việc phải đưa ra một số quyết định thực sự khó khăn. Bạn đã thấy các công ty đưa ra những quyết định chiến lược sai lầm như thế nào".
Apple (AAPL) vẫn là một ngoại lệ khi là công ty công nghệ lớn duy nhất vẫn chưa tuyên bố sa thải nhân viên, mặc dù nhà sản xuất iPhone được cho là đã đóng băng tuyển dụng trong tất cả các lĩnh vực ngoại trừ nghiên cứu và phát triển. Apple đã tăng số lượng nhân viên của mình lên 20% từ năm 2019 đến năm ngoái, thấp hơn rõ rệt so với một số công ty cùng ngành.
Kessler nói: “Apple đã thực hiện một cách tiếp cận có vẻ thận trọng hơn trong việc tuyển dụng và quản lý tổng thể công ty”.
Các CEO công nghệ, từ Mark Zuckerberg của Meta đến Marc Benioff của Salesforce đã tự trách mình vì tuyển dụng quá nhiều trong giai đoạn đầu của đại dịch và hiểu sai mức độ gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm của họ sau khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng. Ông Pichai mới đây cũng đã nhận lỗi về việc cắt giảm của Alphabet và cho biết ông có kế hoạch đưa công ty trở lại tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và "những ưu tiên cao nhất".
Kessler cho biết, các thông báo sa thải nhân viên ở các công ty công nghệ có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục suy thoái.
Theo CNN