Lừa đảo Dropshipping khiến nhiều phụ nữ mất hàng trăm triệu tới cả tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dropshipping là một mô hình bán hàng kiểu mới mà kẻ xấu đang lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người dân.  

Thời gian gần đây, một số nạn nhân đã trình báo công an về việc bị lừa đảo khi tham gia mô hình dropshipping. Có nạn nhân đã bị thiệt hại tới 12 tỉ đồng. Vậy dropshipping là gì mà lại khiến một số người "tiền mất, tật mang"?

Dropshipping là một hình thức kinh doanh bán lẻ, trong đó người bán (đóng vai trò trung gian) nhận đơn đặt hàng của khách hàng. Người bán sẽ không có hàng trong kho. Thay vào đó, người bán chuyển đơn đặt hàng và địa chỉ giao hàng của khách hàng đến nhà sản xuất, nhà bán buôn hoặc nhà bán lẻ để thực hiện việc giao hàng. Người bán chịu trách nhiệm về việc tiếp thị và bán sản phẩm, nhưng không kiểm soát chất lượng sản phẩm, lưu trữ, quản lý hàng tồn kho hoặc vận chuyển sản phẩm.

Ưu điểm của dropshipping là người bán không phải bỏ chi phí liên quan đến việc duy trì kho hàng. Tuy nhiên, họ sẽ phải thanh toán trước cho đơn hàng của khách. Kẻ xấu đã lợi dụng mô hình này để lừa đảo người bán.

Mới đây, chị H., một người kinh doanh dropshipping ở Hà Nội trình báo về việc bị lừa mất 12 tỉ đồng. Chị H. cho biết có một đối tượng đã lôi kéo chị tham gia mô hình này. Đối tượng khoe vừa lãi 80 triệu sau khi bán được 2 chiếc đồng hồ qua ứng dụng "Supply Helper" (đường dẫn https//web.supplyshopsb.com).

Bị lóa mắt trước lời dụ dỗ của đối tượng, chị H. đã tải ứng dụng và bắt đầu thực hiện vai trò trung gian giữa khách hàng và công ty cung ứng sản phẩm.

Khi có khách mua hàng, chị H. phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho công ty cung ứng sản phẩm. Sau khi khách nhận được hàng, chị H. sẽ được công ty trả lại tiền gốc và 18% tiền lãi.

Đơn hàng đầu tiên chị H. đã nạp 511,28 USD và nhận lại được đầy đủ tiền gốc kèm lãi là 61,35 USD. Sau đó, chị tiếp tục làm trung gian thanh toán trước cho 46 đơn hàng và rút được tiền của một số đơn hàng.

Khi số tiền thanh toán trước lên tới 12 tỉ đồng, chị H. bỗng không thể liên lạc với công ty và không thể rút tiền. Lúc này chị mới biết mình đã bị lừa.

Một người kinh doanh khác là chị N. ở Hà Nội cũng mắc phải cái bẫy tương tự. Chị N. được một người trên trang "Taobaovn Store" liên hệ để tạo cửa hàng và lựa chọn sản phẩm muốn bán. Khi có khách đặt hàng, chị N. phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng các đối tượng cung cấp, sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc và hoa hồng bán hàng.

Trong quá trình nhận đơn đặt hàng, các đối tượng viện đủ các lý do như phải “thanh toán đủ các đơn”, “đạt doanh thu 10.000 USD”, “ủng hộ trẻ em nghèo” để lôi kéo chị N nộp thêm tiền.

Nhưng khi số lượng đơn đặt hàng quá lớn, chị N. không đủ khả năng tài chính để thanh toán, muốn rút vốn nhưng đối tượng yêu cầu phải thanh toán tất cả các đơn hàng mới được hoàn vốn.

Tổng số tiền chị N. đã bị đối tượng xấu chiếm đoạt là 340 triệu đồng.

Trên thực tế, rất khó để truy tìm những kẻ đứng đằng sau chiếm đoạt các khoản tiền này bởi hình thức phạm tội rất tinh vi.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo những người kinh doanh online cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình dropshipping và thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Người dân nói chung và người kinh doanh nói riêng cần cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường thông qua các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền.

Đối với các trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân nên trình báo cơ quan công an nơi gần nhất, đồng thời chia sẻ thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè để tránh gặp phải các bẫy lừa đảo.