35,9% người tiêu dùng Philippines từng là nạn nhân của lừa đảo mua sắm trực tuyến
James Relativo từng nghĩ mình đã mua được một bộ trống điện tử với giá hời, nhưng thay vào đó, người đàn ông này đã bị lừa hết tiền. Relativo là một trong số 1/3 người Philippines được khảo sát cho biết đã từng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Con số này góp phần khiến Philippines trở thành "đương kim vô địch" về nạn lừa đảo mua sắm trực tuyến ở Châu Á.
Năm nay, hàng triệu USD đã bị móc khỏi túi của người mua sắm trên khắp Philippines, nhiều người trong số họ buộc phải tìm đến các nhóm trò chuyện dành cho nạn nhân trên Facebook và các mạng xã hội khác.
"Một số người dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hẹn gian dối ngay cả khi chúng vượt quá sự thật," ông Alexander Ramos, giám đốc điều hành Trung tâm Điều phối và Điều tra Tội phạm Mạng (CICC), cảnh báo.
Nhìn lại, anh Relativo có lẽ đã hoài nghi nhiều hơn về một bộ trống chỉ có giá 8.000 peso (140 USD), chưa bằng một nửa giá thông thường, trên trang thương mại điện tử Shopee.
Nhưng anh ấy đã nhấn nút "mua" mà không do dự, và ngay sau đó, mọi thứ trở nên đáng ngờ. Người bán chuyển sang trò chuyện trên một ứng dụng nhắn tin và yêu cầu một nửa số tiền của bộ trống để nộp "thuế có thể hoàn trả".
Tiếp theo là những yêu cầu chuyển tiền khác cho đến khi Relativo bực bội đồng ý bỏ qua hệ thống thanh toán của Shopee và thanh toán số tiền còn lại bằng GCash, một nền tảng thanh toán kỹ thuật số. Anh ấy không bao giờ nhận được bộ trống của mình.
"Tôi đã liên tục nói với người bán rằng tôi muốn lấy lại tiền của mình," Relativo nói với Nikkei Asia, giọng nói đầy tức giận. "Tôi không nghĩ mình đang giao dịch với một kẻ lừa đảo - anh ta nói chuyện với tôi, gửi cho tôi hình ảnh bộ trống đang được đóng gói".
Câu chuyện của Relativo là nỗi xót xa của ngày càng nhiều người ở Philippines, quốc gia có tỷ lệ lừa đảo người mua sắm trực tuyến cao nhất trong số gần chục nền kinh tế được khảo sát trong Báo cáo Lừa đảo Châu Á 2023, vừa được công bố vào tháng 11.
Được ủy quyền bởi Liên minh Chống lừa đảo Toàn cầu (GASA) và Công ty An ninh công nghệ Gogolook có trụ sở tại Đài Loan, báo cáo này đã khảo sát 20.000 người tham gia về trải nghiệm mua sắm trực tuyến của họ tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Philippines.
Tỷ lệ lừa đảo mua sắm ở Philippines dẫn đầu nhóm với con số đáng kinh ngạc là 35,9%, tiếp theo là Trung Quốc đại lục với 27,2%. Hàn Quốc có tỷ lệ thấp nhất, chỉ 4,2%.
Bùng nổ mua sắm trực tuyến và thiếu nhận thức đầy đủ về tội phạm mạng
Bùng nổ mua sắm trực tuyến đã tạo ra một thị trường béo bở cho những kẻ lừa đảo. Và việc thiếu nhận thức về tội phạm mạng đang làm trầm trọng thêm vấn đề ở Philippines, nơi mọi người trung bình dành 10 giờ mỗi ngày trực tuyến theo một số ước tính.
"Mặc dù người Philippines được coi là rất gắn kết và am hiểu kỹ thuật số, họ không có đủ kỹ năng văn hóa kỹ thuật số", ôngMark Manantan, Giám đốc an ninh mạng và công nghệ quan trọng tại Diễn đàn Pacific ở Hawaii, cho biết.
Cuộc khảo sát cho thấy người Philippines dễ dàng trở thành con mồi của kẻ lừa đảo vì họ "phản ứng quá nhanh" với yêu cầu của người bán.
Dữ liệu của cảnh sát cho thấy người Philippines đã mất hơn 2,8 triệu USD trong các vụ lừa đảo mua sắm trong 9 tháng đầu năm nay, và con số đó chắc chắn sẽ tăng khi quốc gia này chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ.
Ông Manantan cho biết, các nhóm tội phạm mạng sẽ "tận dụng sự hào hứng của người Philippines trong những ngày hội hè khi mua sắm Giáng sinh và các bữa tiệc diễn ra tưng bừng".
Bất chấp những nguy hiểm, người Philippines có xu hướng tin vào khả năng nhận ra lừa đảo của mình, theo cuộc khảo sát, xếp hạng Philippines đứng thứ ba trong hạng mục tự tin, sau Indonesia (đứng thứ nhất) và Trung Quốc (đứng thứ hai).
Nhưng sự chắc chắn về việc đánh hơi lừa đảo này không có nghĩa là "Philippines có chương trình giáo dục chống gian lừa toàn diện và các biện pháp phòng ngừa được áp dụng", Mel Migrino, Giám đốc Gogolook tại Philippines, cho biết. "Với sự ra đời của các công nghệ khác nhau và quá trình số hóa dần dần của các dịch vụ tài chính, mọi người không nên quá tự tin".
Migrino cho biết đánh lừa người mua thông qua tin nhắn văn bản là phương thức lừa đảo hàng đầu. Nhưng các vụ lừa đảo bán hàng cũng diễn ra trên mạng xã hội, qua email và qua điện thoại bàn.
Trong những tuần gần đây, nhóm trực tuyến SCAMMER ALERT PH đã hoạt động sôi nổi khi các thành viên chia sẻ những trải nghiệm xấu của mình để cảnh báo cho những người khác.
Một người mua sắm tức giận than phiền rằng cô đã đặt hai đôi giày thể thao từ một người bán hàng trực tuyến nhưng lại nhận được "hai hộp đựng miếng carton và một chân đế micro".
Một thành viên khác cho biết vỏ bọc ghế da cô đặt hóa ra lại là "vải".
"Có cách nào gửi lại vỏ bọc ghế giả của họ và lấy lại tiền không?" bài đăng của cô hỏi.
Đối với Relativo 31 tuổi, không có hy vọng lấy lại được tiền sau khi bị lừa đảo mua bộ trống mà anh đã không bao giờ nhận được. Những lời cầu xin hoàn tiền của anh đều bị người bán bỏ qua, khiến anh tay trắng tay và "muốn khóc".