Đó là phát biểu của ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - tại hội nghị sơ kết thực hiện chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và chỉ thị số 21 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP tổ chức sáng 15-1.
Nhận định công tác tiếp công dân, giải quyết bức xúc của người dân đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của TP, nhưng Phó bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm làm chưa tốt thời gian qua.
“Các đồng chí ở đây ai cũng nói tiếp công dân là có lợi. Từ chủ tịch quận huyện tới phó giám đốc sở đều nói tiếp công dân giúp mình hiểu dân hơn, hiểu công việc hơn. Chúng ta đã thấy cái lợi đó rồi, lại thêm nghị quyết yêu cầu, cuộc sống đòi hỏi nữa thì tôi tin rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2016 sẽ đạt kết quả tốt hơn” - Ông Võ Văn Thưởng
Cụ thể là nhiều vụ việc để kéo dài, chuyển lòng vòng nhiều cơ quan rồi lại không có đầy đủ cơ sở dữ liệu để theo dõi sự việc đó đã được giải quyết tới đâu, như thế nào.
Về trách nhiệm của người đứng đầu, luật nói người đứng đầu cấp tỉnh tiếp dân mỗi tháng một ngày, cấp quận huyện một tháng tiếp hai ngày, phường xã một tuần một ngày nhưng thực hiện không đầy đủ.
Ông Thưởng nói: “Không đầy đủ, nói khác đi là thiếu trách nhiệm. Luật tiếp công dân nói thiếu trách nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm. Thử tìm hiểu vì sao một số đồng chí đứng đầu cơ quan hành chính không chịu tiếp công dân.
Tiếp công dân là phải va chạm, là phải đọc hồ sơ nhiều, phải ra quyết định để giải quyết. Không nắm chắc vấn đề thì không dám tiếp công dân, không am hiểu pháp luật cũng không dám ra quyết định. Suy ra tận cùng có thể là năng lực. Nói vậy có quá đáng không? Tôi nghĩ hoàn toàn không”.
Bởi theo ông Thưởng, chỉ thị của Bộ Chính trị nói coi việc tiếp công dân, giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân là một thước đo để đánh giá cán bộ. Cho nên nếu không làm tốt công tác này sẽ đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân cũng được ông Thưởng nêu lên một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là yêu cầu cán bộ phải giỏi, phải rành vấn đề mới tiếp công dân được.
Nhưng tiếp công dân là chỗ mà cán bộ rất ngại về. Nhiều năm qua, hầu như không có hoặc rất ít người đảm nhận công tác tiếp công dân được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu lên chức vụ cao hơn nhờ làm tốt công tác này.
“Như vậy cán bộ bố trí đúng tầm chưa? Thật sự cán bộ giỏi chưa?” - ông Thưởng đặt câu hỏi.
Từ những phân tích trên, phó bí thư thường trực Thành ủy đề nghị thời gian tới phải tiếp tục quán triệt chỉ thị 35 và 21, làm sao ý thức được việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.
Làm tốt công tác này là góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân.
Vẫn còn diễn biến phức tạp
Kết quả tiếp công dân trong hai năm 2014-2015 TP đã giải quyết có hiệu quả một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài, tạo được niềm tin của nhân dân. Đã tổ chức tiếp 94.060 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh. Lãnh đạo TP tiếp công dân 34 buổi/30 vụ việc.
Trong đó thường trực Thành ủy tiếp 5 buổi/5 vụ việc; thường trực HĐND tiếp 17 buổi/15 vụ việc; thường trực UBND tiếp 12 buổi/10 vụ việc.
Tuy nhiên, Thành ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình khiếu nại, tố cáo tuy có giảm về số lượng nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các dự án.
Theo Tuổi trẻ