Chuyển đổi số là câu chuyện được nói đến rất nhiều trong thời gian qua, đi kèm với đó là hàng loạt những nền tảng công nghệ mới, tạo nên những áp lực về sự thay đổi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, câu chuyện đổi số tại thị trường Việt Nam, nơi tỷ trọng kinh tế chủ yếu tập trung vào số các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) dù đã được nói mãi, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng.
Quả thật, khi mô hình kinh doanh cũ vẫn đang đem đến lợi nhuận cao, lãnh đạo chần chừ, trình độ nhân lực chưa kịp đáp ứng, số hóa doanh nghiệp vẫn là câu chuyện được nhiều đơn vị tạm gác lại để nói sau.
Trước thực trạng này, ông Lê Hữu Tấn Tài, Trưởng bộ phận ứng dụng Digital của KMS Việt Nam chia sẻ tại Vietnam Web Summit 2019: "Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước ba áp lực lớn là áp lực từ người tiêu dùng, từ quản trị bộ máy nhân sự và từ đối thủ kinh doanh."
Sự vận động không ngừng của cả ba nhân tố kể trên là lý do doanh nghiệp không thể không thay đổi, dù ở thời điệm hiện tại, doanh thu và lợi nhuận kinh doanh vẫn chưa bị ảnh hưởng nhờ nhờ kinh nghiệm trong ngành, mối quan hệ hay tập khách hàng và đối tác vốn có.
Hãy lợi dụng tri thức đám đông
Đối với câu chuyện làm sao để chuyển đổi số, đại diện của KMS Technology cho rằng chìa khóa ở đây chính là sự kỳ vọng của khách hàng. Trên thực tế, hầu như các doanh nghiệp đều có hoạt động R&D (Nghiên cứu và Phát triển), tuy nhiên trong khi trước đây hoạt động này chủ yếu diễn ra giữa sếp và nhân viên, thì bây giờ sẽ cần nhìn rộng hơn.
“Trước đây, hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) chỉ dừng lại ở câu chuyện giữa sếp và nhân viên. Hai bên đóng cửa lại cùng làm. Thì bây giờ nên học cách lợi dụng tri thức đám đông”, ông Tài nhấn mạnh.
Lợi dụng tri thức đám đông ở đây, có thể là bất kỳ ai, bất kỳ chuyên gia nào, tuy nhiên gần gũi và tiệm cận nhất chính là từ phía khách hàng của doanh nghiệp.
Trả lời được câu hỏi khách hàng đang kỳ vọng điều gì, chính là bước đầu để doanh nghiệp biết mình nên chọn hướng chuyển đổi hóa như thế nào?
Theo gợi ý của ông Tài, đa số khách hàng hiện tại đang hướng tới một mục tiêu chung đó là sự tiện lợi và nhanh chóng.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu Nielsen Việt Nam trong một chia sẻ từng cho rằng người Việt đang bị thu hút bởi nhiều công nghệ mới như AI, IoT, Robotics hay 5G, từ đó tạo nên những thay đổi trong bức tranh tiêu dùng. “Người tiêu dùng hiện tại cần sự tiện lợi, cá nhân hóa. Vậy nên các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này”, ông Tùng nhấn mạnh.
Tự động hóa – xu hướng chung nhưng làm sao cho hiệu quả
Tự động hóa sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những xu hướng chuyển đổi số của toàn cầu. Tự động hóa ở đây không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của những nhà máy rộng lớn, với những dây chuyền sản xuất quy mô.
Trên thực tế, với sự phát triển của công nghệ, rất nhiều quy trình hoạt động của doanh nghiệp đều có thể tự động hóa. Ví dụ như hoạt động thu thập phân tích dữ liệu, hoạt động marketing tiếp thị với khách hàng, hoạt động bán hàng…
Có thể lấy ví dụ với Chatbot - một công cụ phần mềm giúp tương tác hoặc nói chuyện tự động với khách hàng 24/7. Những sản phẩm Chatbot hiện tại, không chỉ trả lời những câu hỏi đơn giản, được lập trình sẵn, mà còn có khả năng “tùy biến” cao nhờ những công nghệ như Machine Learning (học máy) hay AI (trí thông minh nhân tạo).
Một ví dụ khác như Công nghệ nhận diện khuôn mặt (Facial Recognition Technology) có thể giúp các doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng thông qua việc phân tích biểu cảm khuôn mặt. Từ đó có thể giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp, ví dụ như để đo lường mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, hoặc với một chiến dịch quảng cáo. Đây vốn là công việc mà trước đây chủ yếu dựa vào sức người.
Ông Charles Ng – Đại diện của Appier cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, máy móc có mức độ sai xót trong việc nhận diện thấp hơn con người.” Với công nghệ, quy trình có thể được tự động hóa, và còn có thể chính xác hơn, tất nhiên là với nền tảng công nghệ đủ tốt.
Tuy nhiên việc ứng dụng tự động hóa của các doanh nghiệp không nhất thiết phải giống nhau, vì đây còn là câu chuyện về tính hiệu quả, và nguồn lực doanh nghiệp.
Ông Tài gợi ý để biết nên tự động hóa như thế nào, hãy nhìn vào hệ thống vận hành của chính doanh nghiệp mình để quyết định: “Phải định hình các hoạt động trong doanh nghiệp, có những hoạt động nào đang diễn ra theo quy trình lặp lại. Hãy tự hỏi những hoạt động này làm sao để có thể tự động hóa được?”
Tự động hóa là một câu chuyện ví dụ cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, vốn đang bị tác động bởi rất nhiều công nghệ mới. Trong công cuộc số hóa và hòa nhịp cùng cuộc cách mạng 4.0, nếu các doanh nghiệp truyền thống không bắt nhịp, không thay đổi sẽ rất dễ phải đối mặt với bài toán đánh mất thị phần. Câu chuyện Taxi truyền thống và Taxi công nghệ rầm rộ trong những năm qua là minh chứng rõ cho luận điểm này./.