Thống đốc Bình “bắt bệnh” nợ xấu của ngành ngân hàng

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho biết nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói về nguyên nhân nợ xấu của hệ thống ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói về nguyên nhân nợ xấu của hệ thống ngân hàng

Trong đó có nguyên nhân từ việc cho phép thành lập và hoạt động nhiều NHTM cổ phần trong thời gian trước đây khi tín dụng tăng trưởng nhanh và năng lực quản trị, điều hành của NHTM cổ phần còn nhiều hạn chế.

NHNN nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về vấn đề xử lý nợ xấu. Kiến nghị của Ban Dân nguyện tỉnh Long An chuyển đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, về việc: xem xét lại việc cho phép hàng loạt các NHTM cổ phần hoạt động dẫn đến nợ xấu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Giải pháp và lộ trình xử lý nợ xấu hiện nay mang lại hiệu quả như thế nào chưa rõ.

Xử lý được 70% tổng số nợ xấu

Về vấn đề này, Thống đốc Bình cho biết thời gian qua NHNN đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng mới để tập trung củng cố, chấn chỉnh các ngân hàng hiện có.

“Cùng với đó, chỉ đạo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD trên nguyên tắc tự nguyện và đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém. Từ năm 2011 đến 15/6/2015, hệ thống TCTD đã giảm 15 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, Thống đốc Bình cho biết.

Theo Thống đốc Bình, để xử lý nợ xấu NHNN tập trung hoàn thiện khung pháp lý, quy định an toàn về cấp tín dụng và mua, bán, xử lý nợ xấu. Cụ thể, NHNN đã ban hành chuẩn mực mới chặt chẽ hơn về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm tạo cơ sở xác định, phản ánh hợp lý chất lượng tín dụng.

Ngoài ra, NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP; Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC; Thông tư số 01/TTLT- NHNN-BXD-BTP-BTNMT hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; Thông tư số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 16/6/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm...

Bên cạnh đó, NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tín dụng, phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro nhằm làm rõ thực trạng nợ xấu và có biện pháp xử lý phù hợp.

“Chỉ đạo các TCTD tích cực trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; đôn đốc thu hồi nợ; xử lý tài sản bảo đảm; tập trung bán nợ xấu cho VAMC; tiết giảm tối đa chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng; giảm mức chi cổ tức hàng năm để tạo nguồn tài chính xử lý nợ xấu; tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng vay với lãi suất hợp lý để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu để trả nợ ngân hàng”, Thống đốc Bình cho biết.

Cùng với đó, NHNN phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.

“Đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, kích thích thị trường bất động sản phục hồi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước giảm nợ xấu”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành Ngân hàng, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể. Từ năm 2012 đến nay, hệ thống các TCTD đã xử lý được 70% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012, đưa tỷ lệ nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN từ mức 17,21% tại thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,81% vào thời điểm tháng 3/2015.

“Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh không dùng tiền từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Qua đó, đã tạo điều kiện giúp các TCTD cải thiện nguồn vốn, khả năng chi trả và mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; Giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức chỉ bằng khoảng 40% lãi suất của nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của năm 2005-2006; Thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các TCTD...”, Thống đốc Bình bình luận.

Xử lý nợ xấu gặp khó vì cơ chế, chính sách

Tuy vậy, Thống đốc Bình cũng thừa nhận việc xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu, các tài sản bảo đảm tiền vay; Trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.

“Thị trường mua bán nợ chưa phát triển gây khó khăn cho việc mua bán nợ và tài sản bảo đảm. Khung pháp lý về xử lý nợ, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, việc sửa đổi các Luật liên quan cần nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, mục tiêu xử lý nợ xấu”, Thống đốc Bình chia sẻ.

Một nguyên nhân nữa cũng được người đứng đầu ngành ngân hàng nêu ra, đó là khách hàng vay chưa chủ động cơ cấu lại hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh để trả nợ ngân hàng. Việc triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, nhiều vấn đề tài chính và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chưa được đẩy mạnh xử lý...

“Vì vậy, để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng như đã triển khai trong thời gian qua, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ nguồn lực, hoàn thiện khung pháp lý, tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy thị trường bất động sản, thị trường tài chính phát triển, hỗ trợ các TCTD thu hồi nợ, tài sản, kể cả đẩy nhanh việc điều tra, xét xử và thi hành các vụ án liên quan đến ngân hàng”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Tuy vậy, Thống đốc Bình tin tưởng mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 theo lộ trình là khả thi.

Theo Bizlive