Giới chuyên gia từng dự đoán, 2015 sẽ là năm của ngành Ngân hàng. Những màn “trình diễn” ấn tượng của các ngân hàng lớn, sự tham gia của các nhà băng ngoại, màn “đổ vỡ” của các ngân hàng yếu kém cũng như những cuộc hôn nhân chênh lệch trong ngành này sẽ diễn ra một cách sôi nổi và rầm rộ hơn bao giờ hết.
Ngân hàng Nhà Nước sẽ trực tiếp ra tay xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém, gom các ngân hàng lại để tạo thành những ngân hàng có quy mô lớn, đạt chuẩn quốc tế.
Còn nhớ, cách đây 2 tháng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ra quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.
Hành động xóa quyền sở hữu của các cổ đông VNCB khi ấy được xem là phát súng thanh lọc hệ thống đầu tiên mà NHNN thực hiện trong năm 2015.
“Giai đoạn để cho các ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu đã qua. Đã đến lúc các ngân hàng lớn vào cuộc, cần thiết sẽ có sự can thiệp của NHNN.”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng tuyên bố.
Mới đây nhất, NHNN đã phát đi hồi súng thứ hai tới Ngân hàng Thương mại CP Đại Dương (OceanBank) sau những lần cảnh báo trước đó.
Cụ thể, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh từng cảnh báo về tình hình kinh doanh không hiệu quả của OceanBank. Nếu OceanBank không thể tự khắc phục các yếu kém của mình, Ngân hàng Nhà nước buộc phải xử lý và không loại trừ phương án như VNCB nếu bị âm vốn quá nhiều mà cổ đông không chịu bổ sung vốn theo quy định.
Sự ra đi chẳng mấy bất ngờ của OceanBank đã khiến mọi ánh mắt đổ dồn về phía Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). Người ta e ngại rằng, GP.Bank sẽ là cái tên tiếp theo lọt vào danh sách những ngân hàng nằm trong chiến lược “cải tử hoàn sinh” của NHNN.
Vào ngày 2/3, phía NHNN gợi mở, họ có thể mua lại GP.Bank, bước tiếp theo tương tự như với VNCB nếu GPBank không thể tự tăng vốn.
Trước những cảnh báo về “quốc hữu hóa”, “tình huống 0 đồng”, những tưởng GP.Bank sẽ an phận “nằm yên chịu trận” như bao ngân hàng khác. Thế nhưng, những tuyên bố ngay sau đó của lãnh đạo GP.Bank đã gây xôn xao trong dư luận và mong chờ về một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục từ phía nhà băng này.
Ngay sau khi nhận được hồi chuông cảnh báo từ Phó thống đốc NHNN, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank, đã trả lời trên báo chí rằng: “Thời gian vừa qua, ngoài các đối tác nước ngoài cũng có nhiều đối tác trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GPBank là ngân hàng ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư vào”.
Theo đó, GPBank cũng đã tiến hành lựa chọn được các đối tác trong nước là các cá nhân, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có khả năng và kinh nghiệm quản lý, điều hành.
Ông Thắng khẳng định với quyết tâm tái cơ cấu của ban lãnh đạo ngân hàng cùng với sự trợ giúp đắc lực từ các đối tác chiến lược này, GPBank sẽ sớm hoàn thành công cuộc tái cơ cấu ngân hàng theo như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
“Phương án của chúng tôi tuân thủ đúng theo chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, với quyết tâm của các bên và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước, tôi tin tưởng mọi công việc sẽ hoàn tất trong thời gian tới”, ông Thắng đưa ra thông tin đáng chú ý.
Như vậy có thể thấy rằng GP.Bank đang nỗ lực hết mình nắm lấy cơ hội cuối cùng để tự thân trở lại và có thể khẳng định mình trên thị trường. Nhưng điều quan trọng nhất chính là giúp GP.Bank có thể tránh khỏi việc “về tay” Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng.
Ông Thắng cho biết: “Về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, GP.Bank nghiêm chỉnh chấp hành tuyệt đối và nỗ lực hết mình để công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công trong đó có GP.Bank.”
Nếu như cơ hội này thành hiện thực, GPBank đã vượt qua khó khăn lớn nhất, dù hoạt động kinh doanh phía trước còn nhiều thử thách.
Theo Đất Việt