Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa cho biết Liên danh Vietur là nhà thầu duy nhất có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 – thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, thuộc dự án thành phần 3 của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với tổng giá trị 35.233 tỉ đồng.
ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của Liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8/2023.
Liên danh Vietur có 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương Mại Xây Dựng IC ISTAS – thuộc Tập đoàn IC Holding của Thổ Nhĩ Kỳ - đứng đầu.
9 thành viên khác trong liên danh này bao gồm: CTCP Đầu tư xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (Mã CK: CC1), CTCP Kết cấu Thép ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (Mã: PHC), CTCP Hawee Cơ điện và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP.
Trong đó, Ricons, Newtecons và SOL E&C là thành viên trong “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Bá Dương – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD).
Còn Vinaconex là nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, với nhiều kinh nghiệm xây dựng các sân bay trong nước.
Như VietTimes từng đề cập, tham gia gói thầu 5.10 sân bay quốc tế Long Thành còn có hai liên danh khác là Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractrors và Liên danh Hoa Lư.
Trong đó, Liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC), Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, CTCP Xây dựng Central, CTCP Xây dựng An Phong, Tổng Công ty Thành An và Powerline Engineering PCL – nhà thầu đến từ Thái Lan.
Đối với CHEC-BCEG-Vietnam Contractrors, liên danh này do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG) đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài.
Gói thầu 5.10 là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với quy mô 35.233 tỉ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cho công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không.
Nhà thầu làm gói 5.10 sân bay Long Thành thu lãi bao nhiêu?
Theo CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap), việc được trao gói thầu sân bay quốc tế Long Thành 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng.
Với biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, theo ước tính của Vietcap, tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ rơi vào khoảng 1.000 tỉ đồng.
Cũng theo Vietcap, tổng lợi nhuận ròng tối đa cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10 là 525 tỉ đồng, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng số đơn đặt hàng tồn đọng (backlog) của gói thầu.
“Mức lợi nhuận này là đáng kể so với lợi nhuận ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỉ đồng), Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỉ đồng) và Vinaconex (866,3 tỉ đồng)”, Vietcap cho hay./.