Câu chuyện này cũng xới lại vấn đề nhạy cảm ở nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước khi chọn các ứng viên quan trọng để “gửi vàng”.
Chuyện tại Sabeco
Ông Vũ Quang Hải sinh năm 1986 được bầu vào HĐQT của Sabeco, với tỷ lệ phiếu trên 90%, theo giải thích của HĐQT Sabeco là nhằm tăng cường nhân sự trẻ làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo của Tổng công ty.
Dễ hiểu cho kết quả này vì hiện nay Nhà nước sở hữu 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco và Bộ Công thương là đại diện vốn nhà nước. Sau khi giữ một chân trong HĐQT của Sabeco, ông Hải có thể là một trong những người đại diện vốn nhà nước do Bộ Công thương ủy quyền tại DN này.
Trước khi về Bộ Công thương công tác vào năm 2014, ông Hải từng đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) từ năm 2011. Thành tích kinh doanh của công ty này không có gì đáng nói. Cụ thể, năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng; năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng.
Trong khi đó, một trong những yếu tố có vai trò quan trọng đặc biệt đến hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa, theo giới chuyên gia là năng lực của các thành viên HĐQT.
Bà Anne Molyneux, Giám đốc Công ty CS International, tư vấn cao cấp cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, HĐQT DNNN sau cổ phần hóa nên bao gồm một nhóm cá nhân hội đủ trình độ và kinh nghiệm chuyên môn cần thiết để lãnh đạo DN, có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao một cách khách quan và gia tăng lợi ích DN, mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và các yếu tố khác.
Theo chuyên gia này, thông lệ quản trị DN hiện đại trên thế giới là thành viên HĐQT được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để lãnh đạo DN. Lý tưởng nhất là thành viên HĐQT không được bổ nhiệm vì mục đích/ảnh hưởng chính trị và thành viên HĐQT là cá nhân, không nên là người đang nắm các vị trí trong bộ máy chính trị.
Người đại diện, đại diện cho ai?
Trò chuyện với ĐTCK, không ít người đại diện vốn nhà nước hiện đang đảm nhận các chức vụ lãnh đạo cấp cao tại DN cho biết, trong quá trình làm việc, họ luôn phải đối mặt với câu hỏi: bảo vệ quyền lợi cho cổ đông giới thiệu họ ứng cử hay DN? Trường hợp cổ đông mà họ đại diện quản lý vốn và DN thống nhất với nhau về quyền lợi, câu chuyện xử lý quá dễ. Tuy nhiên, thực tế thường không suôn sẻ như vậy.
Tại rất nhiều DN, quyền lợi của các nhóm cổ đông là khác nhau, thậm chí xung đột với nhau. Đơn cử, chuyện phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) dành cho người lao động của DN tại Vinamilk. Trong trường hợp này, người đại diện phần vốn nhà nước sẽ hành xử như thế nào, bỏ phiếu vì cổ đông nhà nước hay bỏ phiếu vì DN?
Trả lời câu hỏi này, bà Anne Molyneux (đứng trên phương diện quản trị DN hiện đại) nói rằng, khi một người được bổ nhiệm vị trí thành viên HĐQT DN, họ không được phép nói rằng, tôi là người nhà nước, tôi là người của Bộ Tài chính, Bộ Công thương… Khi anh ngồi ghế HĐQT thì trách nhiệm của anh là vì tập thể và mọi quyết định đều dựa trên lợi ích lâu dài của các cổ đông và công ty.
Bình luận về vấn đề này, ông Chris Razook, Phụ trách quản trị công ty của IFC tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương kể rằng, IFC đầu tư vào rất nhiều DN, khi chọn ứng viên đại diện cho mình để đề cử vào HĐQT các công ty, họ thường chọn người không phải là cán bộ của IFC.
Họ muốn có những ứng viên chuyên nghiệp, muốn người đó nằm ngoài IFC để hành xử công bằng, khách quan. Những người được chọn sẽ được đào tạo qua tại Hồng Kông, Singapore, trong đó bài học đầu tiên bao giờ cũng là họ có trách nhiệm với công ty, chứ không phải với IFC.
“Trên thực tế, tôi đã gặp và nói chuyện với một số người ngồi trong HĐQT của một ngân hàng và được nghe chuyện những người này được vay vốn với giá thấp. Điều này đi ngược với các thông lệ quản trị DN, vì anh ta ngồi đó phải không có quyền lợi riêng tư”, ông Chris nói.
Sẽ có nhiều quyết định quan trọng với DN được đưa ra tại mùa ĐHCĐ đang bắt đầu, gắn với nó chính là câu chuyện trao quyền và năng lực của những người đại diện “hai vai”.
Theo ĐTCK