Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì về việc không tham gia ứng cử Quốc hội?

VietTimes -- “Lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng không tham gia vào danh sách bầu cử QH Khóa tới là để tập trung hơn vào công tác chỉ đạo, điều hành Thành phố được tốt hơn”- ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết như vậy với VietTimes.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng trả lời phỏng vấn của báo giới
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng trả lời phỏng vấn của báo giới

Có đến ba vị lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, ông Võ Công Trí, Phó bí thư thường trực Thành ủy và ông Huỳnh Đức Thơ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng không có tên trong danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 22/3, bên lề kỳ họp thứ 17, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã dành cho VietTimes cuộc phỏng vấn nhanh.

Vì sao lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng mà cụ thể là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cá nhân ông và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ không ứng cử đại biểu Quốc hội?

- Có nhiều lý do, trong đó, quy định mới của Trung ương là một cá nhân không được giữ và kiêm nhiệm quá 3 vị trí. Hơn nữa chúng tôi muốn chuyên tâm cho công việc mình đang làm tại địa phương.

Cụ thể như trường hợp của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh thì đã được Bộ Chính trị quy hoạch giữ vị trí Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tới nên không thể vừa là Bí thư Thành ủy, vừa là Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH.

Đối với đồng chí Huỳnh Đức Thơ là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP thì theo cơ cấu chung, lần này Trung ương chỉ đạo và phân bổ cho Đà Nẵng cơ cấu lãnh đạo chủ chốt tham gia đại biểu Quốc hội là về phía Đảng chứ không cơ cấu bên phía chính quyền nên không tham gia ứng cử.

Hơn nữa, đồng chí Huỳnh Đức Thơ đang có rất nhiều việc trên cương vị Chủ tịch UBND. Chính vì vậy các đồng chí muốn chuyên tâm hơn trong việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng nên không ứng cử cũng là chuyện bình thường.

Vậy còn trường hợp của ông?

- Trường hợp của tôi thì do tôi đã quá tuổi, nên để có đại biểu xứng đáng, đảm bảo tiêu chí Trung ương đưa ra, chúng tôi thống nhất cử và giới thiệu đồng chí Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, quy hoạch là Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ra ứng cử ĐBQH khóa XIV và giới thiệu làm Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng.

Đó là tự nguyện không tham gia ứng cử và không có “sức ép” gì chứ, thưa ông?

- Như tôi đã nói không hề có vướng mắc gì. Chỉ là quy định về tiêu chí của Trung ương và chúng tôi muốn chuyên tâm hơn trong công việc điều hành tại địa phương. Giai đoạn tới, Đà Nẵng có rất nhiều việc phải làm nên rất cần sự tập trung, chuyên tâm nhiều hơn.

Nếu là đại biểu Quốc hội, vừa giữ vị trí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội, lại kiêm nhiệm nhiều chức vụ thì các đồng chí lãnh đạo chủ chốt sẽ không còn thời gian để lo cho Đà Nẵng. Trong khi đó vận mệnh mới của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ này rất lớn, cần dồn sức rất nhiều cho công việc chỉ đạo và điều hành.

Không ứng cử có nghĩa là tự mình tước đi quyền tham gia vào công tác hoạch định, thiết kế luật pháp, điều hành xã hội và tham gia quyết các vấn đề trọng đại của đất nước?

- Tôi nghĩ đó không phải là vấn đề. Chúng tôi không tham gia thì còn có các đại biểu khác toàn tâm hơn, xứng đáng và có nhiều đóng góp cho đất nước. Và chúng tôi đã giới thiệu các đồng chí ấy cho Trung ương.

Trước đây ông Nguyễn Bá Thanh vẫn đảm nhận cùng lúc 3 chức vụ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng. Tại sao lần này Đà Nẵng lại không thể tiếp tục làm như vậy?

- Như tôi đã nói, đây là quy định mới, áp dụng cho Quốc hội lần này. Còn trường hợp của đồng chí Nguyễn Bá Thanh thì do thời bấy giờ chưa có quy định nên đồng chí ấy vẫn đảm nhiệm được cả các vị trí Bí thư Thành ủy, đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH.

Nhưng nếu là đại biểu Quốc hội cũng là một cách gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân tốt hơn chứ thưa ông?

- Điều đó đúng, nhưng tôi nghĩ nếu chuyên tâm để làm tốt nhiệm vụ của mình đang đảm nhiệm thì tốt hơn khi kiêm nhiệm quá nhiều mà thời gian làm việc của Quốc hội thì quá dài sẽ không còn thời gian để chuyên tâm trong công tác tại địa phương.

Dư luận cho rằng việc các lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng không ứng cử đại biểu Quốc hội như một sự đột phá, chưa có tiền lệ của Đà Nẵng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đây là sự tuân thủ quy định của Trung ương áp dụng cho tất cả các địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo tôi, để các lãnh đạo chủ chốt có thời gian tập trung chuyên sâu cho công tác lãnh đạo của Đảng, công tác chính quyền tại địa phương là rất cần thiết. Và tôi thấy việc không có trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa tới cũng là bình thường.

Xin cảm ơn ông đã dành cho VietTimes cuộc phỏng vấn này!