Lan tràn vấn nạn ô nhiễm vi nhựa ảnh hưởng nặng nề

VietTimes – Ô nhiễm vi nhựa đã trở thành vấn nạn, nay lan tới cả các vùng cực xa xôi. Những mảnh vi nhựa chứa nhiều chất hóa học và các chất ô nhiễm khác, ảnh hưởng nặng nề đến thế giới. 
Vi hạt nhựa trong lõi băng ở Nam Cực. Ảnh: Internet
Vi hạt nhựa trong lõi băng ở Nam Cực. Ảnh: Internet

Thông tin từ tờ Tuổi trẻ, các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy bằng chứng về ô nhiễm vi nhựtrong chuỗi thức ăn trên cạn ở Nam Cực.

Trên tờ Tạp chí Biology Letters, nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi các nhà khoa học từ Đại học Siena (Ý), công bố nhựa đã xâm nhập vào mạng lưới thức ăn trên cạn xa nhất trên hành tinh, mang theo những rủi ro tiềm tàng cho toàn bộ hệ sinh thái. Họ cảnh báo đây có thể là yếu tố mới gây căng thẳng cho hệ sinh thái mỏng manh vốn đang chịu nhiều đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Cụ thể, các nhà khoa học tập trung vào loài bọ Cryptopygus antarcticus - những sinh vật nhỏ có thể nhảy tương tự như bọ chét, dù chúng không được phân loại là côn trùng, chủ yếu ăn tảo và địa y.

Hoạt động của con người trên đảo King George ở quần đảo South Shetland là nguyên nhân khiến khu vực này bị ô nhiễm. Ảnh: AFP
Hoạt động của con người trên đảo King George ở quần đảo South Shetland là nguyên nhân khiến khu vực này bị ô nhiễm. Ảnh: AFP

Nhóm nghiên cứu đã thu thập các sinh vật nhỏ bé nói trên trong một khối nhựa PS được bao phủ bởi một lớp tảo, rêu và địa y trên đảo King George ở quần đảo South Shetland. Hoạt động của con người trong khu vực này gồm trạm nghiên cứu khoa học, sân bay, cơ sở quân sự và du lịch. Khu vực này được xem là một trong những nơi ô nhiễm nhất ở Nam Cực.

Các nhà nghiên cứu đã dùng kỹ thuật chuyên dụng, phát hiện dấu vết của nhựa trong ruột các sinh vật ở khu vực trên. Ho tin rằng các sinh vật đã ăn những mảnh nhựa trong khi đi tìm thức ăn.

Nhà nghiên cứu Elisa Bergami từ Đại học Siena cho biết ô nhiễm nhựa đã lan đến các vùng cực xa. Việc các Cryptopygus antarcticus ăn phải nhựa, sau đó phân bổ nhựa ra đất sẽ khiến nhựa xâm nhập vào các loài khác.

Ô nhiễm nhựa đã trở thành "vấn nạn" ở các đại dương. Theo tờ Tạp chí Tia sáng, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy có 8 triệu tấn nhựa đã bị đổ ra biển mỗi năm. Nếu tình trạng này tiếp tục, đến năm 2050, đại dương sẽ chứa nhiều nhựa hơn cả cá.

Các mảnh vi nhựa rất dễ bị hấp thụ và xâm nhập vào cơ quan nội tạng cũng như dịch mô của các sinh vật, sau đó đi vào chuỗi thức ăn. Những mảnh vi nhựa này có nhiều chất hóa học và các chất ô nhiễm khác, khiến các nhà khoa học khó có thể đánh giá chính xác ảnh hưởng cũng như độc tính của ô nhiễm nhựa. Đặc biệt, các hạt vi nhựa cỡ nanomet còn nguy hiểm hơn vì có thể ảnh hưởng đến nhiều quá trình sinh học trong cơ thể, từ dẫn truyền thần kinh tới kích ứng oxi hóa và cả khả năng đề kháng của các sinh vật nước ngọt và sinh vật biển.