Được biết, 2 bệnh nhân nhận gan có bệnh lý hiếm và nặng. Một bệnh nhân năm nay mới 8 tuổi, mắc suy gan biến chứng nặng, rối loạn chuyển hóa đồng, teo đường mật bẩm sinh. Đây là trường hợp cần ghép gan cấp cứu. Một bệnh nhân nam 49 tuổi bị ung thư gan trên nền gan xơ.
Còn gan hiến được lấy từ một bệnh nhân nam, 30 tuổi, đã chết não do gặp chấn thương nặng.
Ca mổ kéo dài 16h. Cùng lúc ghép gan cho 2 bệnh nhân, các bác sĩ lấy đa tạng để ghép tim cho một bệnh nhân và ghép thận cho 2 bệnh nhân khác. Các đoạn mạch máu của người hiến cũng được lấy để gửi vào ngân hàng mô bảo quản.
Kết quả, sau khi ghép 6 ngày, tất cả các bệnh nhân đều hồi phục. 2 bệnh nhân ghép gan có thể tự thở, tỉnh táo, các chức năng của gan mới đã hoạt động tốt và hòa hợp với người nhận.
GS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, gan được chia ngay trong cơ thể của người hiến lúc tim còn đang đập, giúp thời gian sống của mảnh ghép tương đương với việc ghép toàn bộ gan từ người cho chết não hoặc người hiến sống.
Bệnh nhi được ghép gan chia đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức
|
Tuy nhiên, kỹ thuật này rất khó thực hiện bởi phẫu thuật viện không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ phải cùng lúc thực hiện ghép gan cho 2 bệnh nhân, mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật để ghép gan trong điều kiện cấp cứu. Vì vậy, kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến. Đến năm 2016, tại Mỹ chỉ có gần 400 ca ghép gan sử dụng kỹ thuật chia gan, còn tại Châu Âu, tỷ lệ này là 6%.
Theo GS Trần Bình Giang, khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng. Hiện nay, số lượng gan có sẵn để ghép chỉ đáp ứng 10% đến 15% số bệnh nhân. Chính vì vậy, bệnh viện đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho bệnh nhân, trong đó giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép.