Bắt đầu từ tháng 3/2015, Chính phủ phản hồi chính thức với báo giới mọi vấn đề về kinh tế - xã hội được cho là “nóng”...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, từ trước đến nay, để thông tin kịp thời tới người dân, Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp báo ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Tuy nhiên, do thời lượng cuộc họp báo có hạn, trong khi có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong tháng mà dự luận và báo giới quan tâm.
Chính vì vậy, bắt đầu từ tháng 3/2015, Chính phủ phản hồi chính thức với báo giới mọi vấn đề về kinh tế - xã hội được cho là “nóng” trong tháng trên cơ sở tập hợp, phản ánh của các phóng viên.
Trong lần trả lời đầu tiên này, người phát ngôn của Chính phủ đã giải đáp khá nhiều vấn đề báo giới quan tâm, từ nợ công, giá tiêu dùng, giá điện, giá xăng dầu cho đến các hoạt động đời sống như lễ hội, giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông…
Về vấn đề đang được dư luận và người dân quan tâm là giá điện sẽ tăng như thế nào trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết theo Quyết định số 69/2013 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành, sau khi đã sử dụng quỹ bình ổn giá điện với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015.
Trước những băn khoăn về dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nên nói, tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ đã báo cáo giải trình rõ về dự án. Báo cáo lần này đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và ý kiến đóng góp của cử tri, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, đây mới là báo cáo tiền khả thi; cần tiếp tục hoàn thiện các bước theo quy định để đi đến báo cáo cuối cùng, trình Quốc hội theo quy định. Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát tổng vốn đầu tư, đánh giá tác động đến nợ công của dự án này. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã khẳng định các dự án cảng hàng không từ trước đến nay đều làm ăn có lãi, bảo đảm trả nợ theo tiến độ và chưa có cảng nào không trả được nợ.
Với câu hỏi về giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, người phát ngôn Chính phủ nói, báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết có 3 địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết, không để xảy ra vụ việc tai nạn giao thông là Lạng Sơn, Quảng Ninh và Phú Thọ.
Tuy nhiên, có 11 địa phương có số lượng người chết vì tai nạn giao thông ở mức cao (từ 10-13 người) là Hưng Yên, Tiền Giang, Đắc Lắc, Nghệ An, Hải Dương, Bến Tre, Bình Định, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Long và Tp.HCM.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/2 về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhất là những địa phương xảy ra nhiều tai nạn giao thông và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nên cũng nêu quan điểm của Chính phủ trước một số vấn đề xã hội mà dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều như “bội thực” các lễ hội, nên hay không duy trì lễ hội “chém lợn”…
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định, với những lễ hội mang nặng tính hủ tục, mê tín dị đoan thì cần phải sớm loại bỏ.
Riêng đối với lễ hội “chém lợn” của làng Ném Thượng, theo Bộ trưởng, đó là lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung, là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Dù vậy, việc tổ chức lễ hội dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng, nhưng đồng thời phải đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.
Theo Vneconomy