Lắm tướng, nhiều ban bệ, lãnh đạo thế ngân sách nào chịu cho nổi?

VietTimes -- "Có tổ chức chỉ có chục người mà tới 7-8 lãnh đạo. Một Vụ trưởng, ba bốn hàm vụ trưởng; rồi vụ phó, thậm chí năm bảy vụ phó. Bao nhiêu lãnh đạo thì chừng ấy xe cộ, lái xe. Ngân sách nào chịu cho nổi" , PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM chia sẻ.

PGS. TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện CTQG HCM..
PGS. TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện CTQG HCM..

Cạnh tranh để chọn người tài

Thực trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất” không phải bây giờ mới được chỉ ra. Nghị quyết TƯ 6 (lần 2) khóa VIII, rồi Nghị quyết TƯ 4 khóa IX cũng đã nhấn mạnh đến thực trạng này, nhưng vừa qua Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ rõ sự tha hóa, biến chất của một bộ phận đảng viên, thậm chí là đảng viên có chức vụ cao. Theo ông thì vì sao đã biết, đã nhận thức rõ, nhưng vẫn không thể đẩy lùi được, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?

-Trước hết tôi phải khẳng định rằng, Đảng CSVN là đảng cầm quyền. Đảng ta không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Những nhận định như anh vừa nêu ra là có thật. Tuy nhiên Đảng ta có đủ sức để tự điều chỉnh, chỉnh đốn để vươn lên. Để làm được điều đó, trước tiên phải thực hiện thật tốt dân chủ trong Đảng. Các thành viên trong Đảng phải tự kiểm soát và giám sát lẫn nhau để làm tròn bổn phận của người đảng viên. Từng đảng viên trong sạch thì Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời cũng cần phải có một cơ chế thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong Đảng để chọn ra người tài, người thực sự xứng đáng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, bộ máy nhà nước.

Ông nói là Đảng ta đủ sức để tự điều chỉnh, chỉnh đốn để vươn lên, nhưng chỉnh đốn, điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

-Có một thực tế là đường lối, nghị quyết của chúng ta đưa ra thì tốt, nhưng khi thực hiện thì chưa tốt, chưa quyết liệt, nhất là cơ cấu, tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước. Đảng cần quyết liệt lãnh đạo để 3 ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp hoạt động có hiệu quả, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò độc lập của mình và 3 ngành này phải giám sát được lẫn nhau. Phải phấn đấu làm được như các nước phát triển. Tòa án có thể triệu tập Tổng thống, Thủ tướng để điều trần về một vấn đề nào đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chúng ta phải có cơ chế như thế. Thực ra thì chúng ta đâu có thiếu luật. Chỉ có điều khi thực hiện đưa vào cuộc sống thì nó bị méo mó, biến dạng đi.

Mạnh dạn cắt bỏ bớt các tổ chức chồng chéo nhau

Đảng ta vừa tổng kết 30 năm đổi mới. Sau 30 năm chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng bên cạnh đó cũng còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Nếu làm một cuộc đổi mới lần thứ 2 nữa, theo ông chúng ta cần tiếp tục đổi mới như thế nào?

-Thành quả của 30 năm đổi mới chứng tỏ rằng, trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử, đảng đã dẫn dắt dân tộc ta, đất nước chúng ta vượt qua khó khăn và đi lên. Giờ đây Đảng cần phải đổi mới hơn nữa. Trước hết là đổi mới tư duy, tránh giáo điều, sách vở; mạnh dạn áp dụng những tinh hoa, trí tuệ, cách thức vận hành nhà nước văn minh của những nước phát triển vào thực tế nước ta. Đúng như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã nói “Chúng ta đổi mới kinh tế 30 năm nhưng thể chế chính trị của chúng ta vẫn là thể chế chính trị thời bao cấp”.

Tại sao vậy? Hệ thống Đảng cũng chừng ấy ban bệ; Nhà nước cũng chừng ấy ban bệ; Đoàn thể cũng chừng ấy ban bệ. Vẫn “bộ tứ”: Mặt trận, công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ. Cùng một vai trò, tại sao không gộp lại thành một tổ chức. Nhiều ban bệ thì nhiều cán bộ. Có tổ chức chỉ có chục người mà tới bảy tám cán bộ lãnh đạo. Một Vụ trưởng, ba bốn hàm vụ trưởng; rồi vụ phó, thậm chí năm bảy vụ phó. Bao nhiêu lãnh đạo thì chừng ấy xe cộ, chừng ấy lái xe. Ngân sách đâu mà chịu cho nổi. Đã đến lúc phải mạnh dạn cắt bỏ bớt các tổ chức chồng chéo nhau đi. Không nhất thiết chính quyền có tổ chức gì thì hệ thống đảng phải có tổ chức ấy. Điều quan trọng là điều hành có hiệu quả và cơ chế giám sát chặt chẽ.

Chúng ta cứ nói người Việt Nam chúng ta cần cù, thông minh, nhưng vì sao chúng ta lại nghèo hơn các dân tộc khác. Đành rằng chúng ta mới ra khỏi chiến tranh, nhưng cũng đã 40 năm rồi. 40 năm là khoảng thời gian đủ dài để chúng ta vươn lên.

Khơi dậy khát vọng làm giàu

Như ở phần trên ông có nói là cần phải có sự cạnh tranh trong Đảng; một chức danh có thể đưa ra hai ba ứng cử viên để lựa chọn. Theo ông, vấn đề này đã có thể triển khai ngay được chưa?

- Có thể chúng ta chưa thể tiến hành ngay được vì cần phải có những bước đi thích hợp. Tuy nhiên, để Đảng ta có sức sống mãnh liệt, bền vững, lâu dài, tôi cho là phải tiến dần đến sự cạnh tranh trong Đảng, chọn ra những người có tài thật sự. Đã đến lúc những người lãnh đạo, những Đảng viên phải tự nhận thức được rằng, nếu trước đây mất nước là nỗi nhục và sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc, thì nay phải hiểu sự đói nghèo của dân tộc này cũng là nỗi nhục. Vì vậy Đảng phải có trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân, phải đưa nhân dân lên ấm no, hạnh phúc; đưa dân tộc chúng ta sánh ngang cùng với các cường quốc 5 châu.  

Ông nói “Đảng phải có trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân, phải đưa nhân dân lên ấm no, hạnh phúc”, nhưng bằng cách nào, thưa ông?

-Vừa rồi một nhóm các bạn TNXP có hỏi tôi là thầy cho biết có phải là khi thành lập ra TNXP Bác Hồ muốn tạo ra một trường học rèn luyện phẩm chất cách mạng cho thế hệ trẻ không, tôi bảo TNXP thời Bác và Đảng lập ra là tuyệt vời. Đó là những con người được giáo dục, tôi luyện thành những cán bộ, đảng viên sẵn sàng xả thân để giành độc lập, tự do cho đất nước. Khi  nước nhà độc lập, đất nước gặp muôn vàn khó khăn họ lại sẵn sàng đi làm kinh tế mới, khai hoang, vỡ hóa.

Vì thế ngày nay Đảng phải biết khơi dậy khát vọng ấy của thanh niên, của cán bộ, đảng viên. Từng Đảng viên và đặc biệt là cán bộ lãnh đạo hãy suy nghĩ để khơi dậy khát vọng ấy- khát vọng làm giàu của người dân, để dẫn dắt dân tộc này đi lên, chứ đừng nghĩ, đừng khát vọng việc mình phải giành được chức này chức kia, giành vào TƯ để trục lợi. Nếu những cán bộ, đảng viên chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không vì dân thì dẫu có đang sống người dân cũng coi như họ đã chết. Còn người vì nước, vì dân thì dù đã khuất, nhưng họ vẫn sống trong lòng người dân.

Bổ nhiệm nhiều tướng vậy, ngân sách nào chịu nổi?

Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 16 Bộ trưởng, chỉ có 8 người là đảng viên cộng sản. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn có những nhiệm kỳ mà một vài Bộ trưởng không phải là Ủy viên Trung ương (UVTƯ). Nhưng những nhiệm kỳ gần đây phải là Uỷ viên Trung ương thì mới có cơ hội làm Bộ trưởng. Phải chăng bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cao đang dần “đảng hóa” thưa ông?

- Khi mới giành được độc lập số lượng đảng viên chưa nhiều, đặc biệt là đảng viên có chuyên môn, năng lực quản lý tốt lại càng hiếm. Vì vậy việc mời những nhân sỹ, trí thức, những người thuộc các đảng phái khác vào tham gia bộ máy quản lý nhà nước là chuyện đương nhiên. Nhưng ngày hôm nay, sau chừng ấy năm phát triển, thì những người nào có tài, có đức, về cơ bản, đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. Vì vậy, bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp phần lớn là đảng viên cũng là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cũng không nhất thiết cứ phải là đảng viên mới có cơ hội tham gia chính quyền. Rồi thì không nhất thiết bộ trưởng nào cũng phải là Ủy viên Trung ương.

Có ý kiến cho rằng bộ máy hành chính, các tổ chức đoàn thể của chúng ta đang ngày một phình to, dù đã nhiều lần tiến hành cải cách hành chính. Không những thế bộ máy hành chính lại đang bị “quan liêu hóa”, còn đoàn thể thì bị “hành chính hóa”. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

-Thực ra như tôi đã nói ban đầu, Đảng ta cũng như các Tổ chức chính trị xã hội của ta đang có dấu hiệu quan liêu hoá, hành chính hoá và kể cả “đảng hoá” như anh nói.

Điều đáng lo ngại nữa là số lượng công chức, cán bộ hưởng lương, chế độ đãi ngộ cao đang ngày một tăng nhanh. Rồi thì cấp tướng trong quân đội và công an có cần phải bổ nhiệm nhiều đến như vậy không. Ngân sách nào chịu cho nổi. Chi thường xuyên, chi cho hội họp, lễ hội đã chiếm tới 85% ngân sách nhà nước; chi cho đầu tư chỉ còn lại 15-16% thì làm sao mà phát triển được. Vì vậy, sau 30 năm đổi mới, chúng ta cần tiếp tục có một cuộc đổi mới toàn diện nữa.