Làm sao để có người tài phụng sự đất nước?

VietTimes -- Đất nước bao giờ cũng cần những người có đức, có tài. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Nhưng làm thế nào để phát hiện và sử dụng nhân tài phụng sự đất nước? Trò chuyện với ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số VN...
Ông Lê Doãn Hợp
Ông Lê Doãn Hợp

Chuyện Bác Hồ tuyển dụng nhân tài

Chúng tôi muốn bắt đầu câu chuyện về tuyển dụng nhân tài phụng sự đất nước bằng việc quay trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về cầu hiền tài. Câu hỏi được đặt ra là: Khi chính quyền vừa được thành lập còn rất non trẻ, nhưng trong bộ máy Chính phủ có cả những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, Vương Chí Sình… Tại sao Bác lại có lòng tin như vậy?

-Cách dùng người của Bác sau Cách mạng tháng Tám là tuyệt vời. Bác có niềm tin vào tinh thần yêu nước của mỗi người Việt, đặc biệt là trí thức. Bác biết là những trí thức chân chính, dù có thể tạm thời ở trong bộ máy chính quyền cũ, nhưng họ vẫn khát khao độc lập. Do vậy Bác đã sử dụng, trọng dụng họ một cách chân thành. Như trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng, tháng 2-1946, cụ ra Hà Nội với ý định chỉ là để xem thế nào chứ chưa định hợp tác, làm việc với chính quyền cách mạng.

Thế là đồng chí Võ Nguyên Giáp mời cụ Huỳnh gặp Bác, hai người gặp nhau khoảng một tiếng đồng hồ. Chỉ sau cuộc gặp ấy, cụ Huỳnh  đã vui vẻ tham gia chính quyền. Bác làm cách mạng với một tấm lòng chân thành vì dân, vì nước và tuyên bố rằng: “Cộng sản, Việt Minh không có một lợi ích nào khác là lợi ích của nhân dân. Và tôi cũng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc”.

Thưa ông, thời bấy giờ Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Hồ Chí Minh có chính sách đi tìm người tài chứ tuyệt nhiên không hề có chuyện “chạy chức, chạy quyền”…

-Năm 1946 Bác có bài viết “Tìm người tài”. Trong đó hướng dẫn một cách rất cụ thể cho các cấp chính quyền là khi phát hiện thấy người tài thì báo ngay để Chính phủ đi gặp người đó và giaio trọng trách cho họ. Tìm được rồi thì phân công công việc và có chính sách đãi ngộ. Đặc biệt là niềm tin của Bác vào người được giao trọng trách. Thí dụ như ông Trần Đại Nghĩa từ Pháp về được Bác giao cho phụ trách ngành quân giới, rồi như bác sỹ Tôn Thất Tùng cũng được Bác tin dùng, giao cho những công việc quan trọng.

Những trí thức về với cách mạng có khi được giao trọng trách trong Chính phủ, có khi là những việc khác, nhưng họ đều hết lòng với công việc, hết lòng với sự nghiệp kháng chiến. Những trí thức thời đó có niềm hạnh phúc là có một lãnh tụ để họ tin tưởng. Người trong nước có thể có những chính kiến khác nhau, nhưng hễ cứ nói đến Cụ Hồ là tất cả đều một lòng tin tưởng.

Nhưng Chủ tịch Hồ Chí minh không chỉ dừng lại ở việc cuốn hút người tài bằng nhân cách của mình mà Bác còn yêu cầu có cơ chế để lựa chọn người tài?

-Đúng như vậy. Ngay sau ngày thành lập nước, Người yêu cầu tổ chức “càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Người nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử...”.

Lần đầu tiên tất cả công dân Việt Nam có quyền bầu cử và ứng cử. Đây quả là điều hết sức mới mẻ đối với nhân dân lao động Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra thành công vào ngày 6-1-1946 và sau đó Quốc hội chính thức tổ chức ra bộ máy Nhà nước. Đây là sự thể hiện sinh động nhất tư tưởng Hồ Chí Minh trên thực tế: huy động toàn thể nhân dân tham gia quản lý đất nước, nhân dân đóng vai trò làm chủ đất nước.

Bộ trưởng có nhất thiết phải là Ủy viên Trung ương?

Văn kiện trình ra tại Đại hội Đảng X vẫn còn nhấn mạnh chủ trương lựa chọn cán bộ lãnh đạo thì điều quan trọng nhất là năng lực và phẩm chất, chứ không phân biệt người trong Đảng và ngoài Đảng. Tuy nhiên gần đây nếu không phải là ủy viên Trung ương thì việc đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là hầu như không thể. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

-Công việc của đất nước nên để cả nước lo chứ không chỉ những người trong Đảng lo. Vì vậy, theo tôi thì những người đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất, uy tín để người ta làm Bộ trưởng chứ không nhất thiết phải là ủy viên Trung ương, thậm chí không nhất thiết là người trong Đảng. Điều này từng có nhiều trong thực tế.

Chúng ta đã có nhiều vị bộ trưởng ngoài Đảng nhưng được nhân dân vô cùng quý mến như Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Nông lâm Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng Giao thông Trần Đăng Khoa v.v. vì họ đã làm được rất nhiều việc cho đất nước. Gần hơn nữa là trường hợp anh Lê Ngọc Hoàn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải không phải là Ủy viên Trung ương Đảng vẫn làm tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian vừa qua có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn cao được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó không ít người ở độ tuổi trên dưới 40 đảm nhiệm các chức vụ là Bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên dư luận vẫn không khỏi lời ra tiếng vào. Liệu như vậy có công bằng không?

- Tôi là người rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Thứ nhất, đó là thế hệ có học; hai là, thế thệ được đào luyện; ba là, có hoài bão và có tâm với đất nước. Vì thế chúng ta phải đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Tuy nhiên khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ phải theo nguyên tắc ai có tài thì đều được dùng. Nếu bổ nhiệm cán bộ trẻ mà chỉ tâp trung vào một số con em cán bộ lãnh đạo thì, dù có đúng, người ta vẫn nghi ngại. Vì thực ra con em nông dân, công nhân cũng rất nhiều người giỏi. Giá như trong đội ngủ cán bộ trẻ được bổ nhiệm có người này là con lãnh đạo, người kia là con công nhân, nông dân thì sẽ tạo thành một bức tranh tổng thể về sức mạnh, trí tuệ của cả dân tộc và chắc chắn khi ấy người dân sẽ nhìn và nghĩ khác đi.

Nhưng chúng ta có thể tin vào một điều: là con cán bộ lãnh đạo thì cha mẹ cũng chỉ tạo cho vị thế ban đầu, sau đó họ phải tự khẳng định mình, vì không ai làm thay cho họ được. chúng ta hãy tin và chờ đợi họ trong tương lai.

Đảng lãnh đạo tranh cử

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng là công tác quy hoạch cán bộ. Theo ông thì công tác quy hoạch cán bộ đã làm tốt chưa?

-Ở nhiều kỳ Đại hội đã kiểm điểm về việc chưa thành công trong công tác quy hoạch cán bộ. Chúng ta thường làm quy hoạch sát nút chứ chưa làm được quy hoạch từ xa, mà làm quy hoạch từ xa thì mới có thời gian để đào luyện cán bộ.

Ví dụ, muốn quy hoạch anh A cho chức vụ B thì cần phải kinh qua các cương vị nào ở địa phương. Rồi thì ở Trung ương phải bố trí lĩnh vực công tác nào để khi lên vị trí được định trước có đủ năng lực, tri thức, kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Còn hiện nay chúng ta nói là làm quy hoạch, nhưng vẫn là “quy hoạch kín”, chứ không phải là quy hoach mở. Tức là quy hoạch chỉ có Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương biết thôi. Tôi nghĩ làm quy hoạch thì cả xã hội phải biết. Biết để người được quy hoạch phải phấn đấu. Người dân biết để giám sát. Như vậy, đấy là sự kết hợp giữa định hướng của Đảng với sự tín nhiệm của dân.

Theo ông thì cần có giải pháp gì để lựa chọn được người tài phụng sự đất nước và cũng là làm đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyển dụng hiền tài? 

-Đó là chuyển dần để chuyển hẳn cơ chế chọn cán bộ từ Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo tranh cử, thi cử, cung cấp đủ thông tin về cán bộ cho Đảng viên và  nhân dân bầu cử, để chọn đúng nhân tài phụng sự đất nước, nhân dân.

Đổi mới cơ cấu, tiêu chuẩn chọn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đủ đức tài để giám sát tối cao và thường xuyên các cơ quan hành pháp cùng cấp.

Mở rộng dân chủ đại trà và đại diện để thực thi quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế và chính trị, trong đó rất coi trọng tri thức và báo chí.

Lĩnh vực nào cũng tự so mình với thế giới để nhận thức và hành động. Nhờ đó mà có thể đi tắt đón đầu bứt phá nhanh hơn, tiến kịp và vượt thời đại, từng bước vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Đề cao vai trò giám sát phản biện của nhân dân, giúp nhà nước luôn có đủ thông tin để làm đúng, sửa sai nhanh và nghiêm túc; nhân dân tin yêu để hợp lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đưa Việt Nam sớm thành một nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.

 Đ.K (thực hiện)