Làm sạch “nội bộ” trước khi chống buôn lậu

VietTimes - Từ lâu, công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã trở thành một “cuộc chiến" cam go và quyết liệt. Để nhiệm vụ quan trọng này thực sự thành công thì một yếu tố rất quan trọng là các lực lượng thực thi phải có “bàn tay sạch” và có quyết tâm cao nhất.
Một vụ thuốc lá lậu bị bắt. (Ảnh: VOV.VN)
Một vụ thuốc lá lậu bị bắt. (Ảnh: VOV.VN)

Mới đây, dư luận cả nước hết sức bất ngờ về vụ 120 tấn hàng hóa ước tính trị giá hơn 30 tỉ đồng hàng lậu sa lưới lực lượng chức năng trong đêm 2/11 tại khu vực biên giới ở tỉnh Quảng Ninh. Từ vụ việc này, tại cuộc họp phòng chống lãng phí, tham nhũng của tỉnh Quảng Ninh vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cùng đề nghị: Trong lúc chờ kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cần đình chỉ hoặc chuyển công tác toàn bộ lãnh đạo Đồn Biên phòng số 5 (Đồn Biên phòng Hải Hòa, Thành phố Móng Cái). Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Thành phố Móng Cái điều chuyển, đình chỉ lãnh đạo chính quyền cơ sở (phường Hải Hòa) - địa bàn để xảy ra vụ buôn lậu quy mô lớn hồi đầu tháng 11 này.

Điều đáng nói đây không phải là vụ việc cá biệt liên quan đến các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ bị đình chỉ. Trước đó không lâu, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với nguyên 3 cán bộ hải quan Quảng Ninh để điều tra về hành vi “Buôn lậu” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Hay như năm 2013, Bộ Công an đã triệt phá đường dây buôn lậu ô tô siêu sang do “ông trùm” đường biên Hà Tuấn Dũng ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cầm đầu. Trong quá trình điều tra, lực lượng công an đã phát hiện có sự móc nối với một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; năm 2012, 6 cán bộ tiếp tay cho việc buôn lậu xăng dầu ở An Giang đã bị bắt giữ…

Đầu tháng 10 vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Hàng giả, hàng lậu đã tác động xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh, gây thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo Phó Thủ tướng, một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này, đó là một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, thiếu rèn luyện dẫn đến bảo kê, tiếp tay cho các hoạt động trái pháp luật…

Tại nhiều hội nghị liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhiều đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành đã từng khẳng định, vấn đề hàng lậu không nằm ở việc số lượng người chống buôn lậu mà do chất lượng cán bộ "có vấn đề". Do đó, muốn phòng chống buôn lậu, trước hết những cán hộ hải quan, công an, quản lý thị trường phải có "bàn tay sạch". Bởi khi các cơ quan chống buôn lậu lại "dính" đến tiêu cực thì chúng ta có hô hào thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể ngăn được hàng lậu.

Đáng chú ý, tại Hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá do Tổng cục VI tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI), Bộ Công an khi nói về công tác chống tội phạm buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng đã thẳng thắn nêu “Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Cần chấn chỉnh nội bộ trước, nếu phát hiện phải xử lý triệt để, phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ không thể làm tốt”...

Tết Nguyên đán 2015 sắp cận kề, chắc chắn tình trạng buôn lậu sẽ diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi. Các đối tượng buôn lậu lại tìm mọi cách để “hoành hành”. Vì vậy, việc tăng cường, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại lại càng trở nên “nóng bỏng”. Song để “cuộc chiến” thật sự có hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền giáo dục, đến các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội… bằng các biện pháp cụ thể như làm tốt công tác xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, củng cố bộ máy; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm; tăng cường cơ chế giám sát, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách;…

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên chỉ thực sự đi vào đời sống, có tính chất quyết định trực tiếp đến việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khi chính nội bộ của các lực lượng làm công tác này phải trong sạch và có quyết tâm cao nhất…/.

Thu Hà