“Làm mẹ an toàn” để giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ vẫn sinh con trên nương rẫy; tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh còn cao. Đó là thực tế để Bộ Y tế đẩy mạnh hoạt động "Làm mẹ an toàn", nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ.

Truyền thông về "Làm mẹ an toàn" và "Nuôi con bằng sữa mẹ" ở Hoà Bình
Truyền thông về "Làm mẹ an toàn" và "Nuôi con bằng sữa mẹ" ở Hoà Bình

Tại hội nghị chia sẻ thông tin về “Làm mẹ an toàn” do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 19/9, tại Hà Nội, ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ Trẻ em - cho biết: Hiện tỉ lệ tử vong sơ sinh còn cao, chiếm đến 70-80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, chiếm 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi.

Ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn cao so với cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em người Kinh.

VT- Trần Khoa.jpg
TS. Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ Trẻ em - chia sẻ thông tin về tình hình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em

Cũng theo ông Trần Đăng Khoa, ở tuyến huyện còn rất thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức. Hiện 30% bác sĩ đa khoa làm công tác sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện. Ở những vùng khó khăn, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế. Nhận thức, hành vi của người dân về chăm sóc thai và sinh đẻ an toàn chưa cao.

Ông Trịnh Ngọc Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khoẻ Trung ương - cho hay: Ngành y tế đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn; góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền.

VT_ Trinh Khoa.jpg
Ông Trịnh Ngọc Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khoẻ Trung ương

Tại hội nghị, bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên - Phó Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CDC tỉnh Tuyên Quang) - cho biết: Ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc người dân tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn, vẫn tồn tại những tập tục cổ hủ, lạc hậu như đẻ tại nhà, đẻ trên rẫy, chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh tình đã quá nặng.

Cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế, nhưng nay nhiều người không hoạt động, do kinh tế gia đình khó khăn, trong khi phụ cấp cho cô đỡ thôn bản còn thấp. Trong khi đó, bà con dân tộc HMông có phong tục tập quán riêng nên cán bộ y tế là người dân tộc khác rất khó tiếp cận, nhất là khi họ sinh nở.

Hiện, tỷ lệ sinh tại nhà của Tuyên Quang là 0.36 %, chủ yếu ở bà con dân tộc H’Mông. Năm 2023 có 1 ca chết mẹ, chết trẻ em dưới 5 tuổi cũng ở nhóm dân tộc này.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, CDC tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức truyền thông và giám sát hỗ trợ về chuyên môn cho các trạm y tế về tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, vận động phụ nữ đến cơ sở y tế sinh con; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ …

3.png
Các bác sĩ ở Hoà Bình hướng dẫn "Làm mẹ an toàn" cho sản phụ ngay sau khi sinh

Đến 9/2023, Tuyên Quang đã đào tạo được 6 lớp chăm sóc trước, trong và sau sinh cho Cô đỡ thôn bản và Y tế thôn bản với tổng số 250 cô ở 46 xã vùng sâu vùng xa kiến thức về làm mẹ an toàn và nuôi con bằng sữa mẹ vv…

Đại diện CDC tỉnh Hoà Bình cũng cho biết, mặc dù thiếu trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn; thiếu tài liệu, phương tiện truyền thông; thiếu cán bộ vv…nhưng CDC Hoà Bình đã tổ chức đào tạo cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, nhân viên y tế thôn bản về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và chăm sóc sơ sinh; xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú.

Tuần lễ “Làm mẹ an toàn” năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 7/10/2023, tại 51 tỉnh.

Mục tiêu của tuần lễ "Làm mẹ an toàn" là các trạm y tế xã cung cấp thông tin về “Làm mẹ an toàn” và “Nuôi con bằng sữa mẹ” cho: 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.