Làm gì để nhân tài không bị chết... yểu!

VietTimes – Trong cơ quan công quyền hiện nay đang tồn tại một thực tế đáng buồn là, sau khi được tuyển dụng vào làm việc, nhiều người được xem  là nhân tài đã lặng lẽ ra đi "không kèn không trống". Đáng nói hơn khi có người được cử đi học các lớp tài năng ở nước ngoài theo đề án, sau một thời gian làm việc ở cơ quan công quyền cũng quyết định ra đi. Dư luận gọi đó là hiện tượng nhân tài chết... yểu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lâu nay, việc trọng dụng và sử dụng nhân tài đã được dư luận và các nhà khoa học bàn đến rất nhiều, nhưng thực tế là chưa có quy định pháp luật chặt chẽ về việc này. Thế nên, căn cứ vào điều kiện khác nhau mà mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có cách tuyển chọn, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài khác nhau, không thống nhất.

Trong cơ quan công quyền hiện nay đang tồn tại một thực tế đáng buồn là, sau khi được tuyển dụng vào làm việc, nhiều người được xem là nhân tài đã lặng lẽ ra đi. Đáng nói hơn khi có người được cử đi học các lớp tài năng ở nước ngoài theo đề án, sau một thời gian làm việc ở cơ quan công quyền đã quyết định ra đi. Dư luận gọi đó là hiện tượng nhân tài chết... yểu.

Các chuyên gia đưa ra nhiều lý giải cho việc này, nào là cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường làm việc còn nhiều vẩn đục; không có tài năng thực sự; không có điều kiện phát huy; cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền chưa tạo điều kiện nâng đỡ để khả năng của nhân tài “có đất dụng võ”, phát triển...

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Đất nước thịnh vượng là do huy động được nhân tài vào cống hiến cho sự nghiệp. Đó là chân lý được kiểm nghiệm và chứng minh qua bao đời nay, không chỉ ở đất nước ta mà ở cả những quốc gia khác.

Xin chưa bàn tới nhân tài, những chế độ đãi ngộ và cách thu hút nhân tài, mà chỉ xin bàn tới việc xây dựng môi trường công tác, để tài năng phát triển đúng hướng, thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc.

 

Lâu nay ở các cơ quan, đơn vị và địa phương tồn tại thực trạng rất đáng buồn là môi trường làm việc bị vẩn đục bởi sự tác động của đồng tiền, thói xu nịnh và cả sự độc quyền, lạm quyền của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tâm lý có việc làm trong cơ quan Nhà nước đã thôi thúc nhiều người “bỏ con săn sắt bắt con cá rô”, để có một việc làm ổn định. Dù chẳng có tài năng gì nhưng với sự “giúp sức”, tạo điều kiện của những người có uy quyền, “nói thét ra lửa” và “hét sào người chết đứng”, họ cũng xin vào cơ quan nhà nước bằng mọi giá, ngay cả khi không đúng chuyên môn đào tạo.

Thực trạng các trường đại học phát triển nở rộ như nấm sau mưa cùng với chất lượng đào tạo không thể kiểm soát nổi theo chủ trương xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập, đã khiến cho việc “hợp lý” văn bằng chưa bao giờ dễ dàng hơn.

Kẽ hở trong tuyển dụng bị lấp đầy bằng “bùn và rác” đã khiến cho nhà nước phải nuôi báo cô những đối tượng “ngồi chơi xơi nước”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Thế nên, nhiều nhân tài khi về làm việc trong môi trường vẩn đục đã nhất quyết ra đi. Chất xám bị chảy máu còn do cơ chế làm việc có quá nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, hình thức, mang nặng tính mệnh lệnh, mà thiếu sự thông thoáng và đặc biệt là thói “sợ trách nhiệm” của đội ngũ cán bộ.

Chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý và thực thi công vụ ít hiệu quả, mức độ tiến triển chậm hoặc không hiệu quả vì căn bệnh thành tích, háo danh kìm hãm đã không thể phát triển được, cũng là do môi trường làm việc không tốt.

Thế nên, muốn có nhân tài đến làm việc và đề nhân tài mang tâm, tầm, sức và trí cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thì việc đầu tiên và trước nhất là phải cải tiến môi trường làm việc.

Xây dựng trường công tác, môi trường làm việc dân chủ, văn hóa và tôn trọng nhân tài thông qua đánh giá thực chất chất lượng thực thi nhiệm vụ kết hợp với đào thải những viên chức, công chức và cán bộ, công chức, viên chức “le ve” chỉ biết “bóc hành đuổi mèo”, là cách tốt nhất để tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Ở tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội bàn luận nhiều đó là vấn đề nhân tài và trọng dụng nhân tài.

Hy vọng các đại biểu Quốc hội sáng suốt sửa đổi các luật này phù hợp với thực tiễn, tạo ra hành lang pháp lý và là động lực thực sự để chất xám không bị chảy máu, để nhân tài trong các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị chết... yểu.