Làm cảng cạn để cứu nguy đường bộ

Các cảng cạn mới có lợi thế tựa lưng vào những nơi có nguồn hàng lớn, nằm ở ngoại ô TP.HCM và nối thông với hệ thống cảng biển TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

UBND TP.HCM vừa đề nghị Bộ GTVT triển khai xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 10 cảng cạn mới ở phía đông bắc, tây bắc và phía tây TP.HCM nhằm “giải cứu khẩn cấp” các tuyến đường bộ đang ngày càng quá tải, ùn tắc.

Cảng cạn dựa lưng khu công nghiệp

TP.HCM cũng vừa giao Sở GTVT làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng đầu tư ngay bến sà lan giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp (KCN) Cát Lái (phường Cát Lái, quận 2). Bến sà lan này là một phần của cảng cạn Cát Lái đã được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2014. Nó nằm dựa lưng vào KCN Cát Lái, quay mặt ra sông Đồng Nai. Cảng này được quy hoạch là cảng tổng hợp với quy mô đến năm 2030 sẽ có năm cầu cảng với tổng chiều dài 1.000 m, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 DWT. Trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng ba cầu cảng cho tàu có trọng tải 2.200 tấn ra vào, công suất thông qua khoảng 400.000 TEU/năm.

Khi hoàn thành giai đoạn 1, một lượng hàng hóa từ cảng biển Tân Cảng - Cát Lái sẽ được vận chuyển bằng sà lan qua cảng cạn Cát Lái rồi đi bằng đường sông về các tỉnh, thay vì vận chuyển bằng xe container ra đường Nguyễn Thị Định và vòng xoay Mỹ Thủy.

Về lâu dài, TP.HCM cũng dự kiến xây dựng, hình thành nên trung tâm cảng cạn - logistics đầu tiên và lớn nhất của TP.HCM tại bến sà lan này. Dự tính trung tâm cảng cạn này rộng đến 66 ha.

Ngoài ra, giáp hông cảng biển Tân Cảng - Cát Lái có khu đất 37 ha có “mặt tiền” sông Đồng Nai và rạch Bà Cua đang được triển khai làm cảng cạn ICD. Theo Sở GTVT, thời gian qua Tân Cảng - Cát Lái đã phối hợp với chủ đất san lấp, làm đường nội bộ và cầu nối thông sang cảng Phú Hữu bên kia rạch Bà Cua. Theo tính toán, trên khu đất này sẽ hình thành cụm cảng ICD Bến Thành - Phú Hữu và nối thông với cảng biển Tân Cảng - Cát Lái.

Làm cảng cạn để cứu nguy đường bộ ảnh 1

Khi KCN có cảng cạn, hàng hóa sẽ đi bằng đường sông, không phải đi bằng đường bộ qua cầu Phú Hữu nữa. Ảnh: LĐ

Cảng cạn cho cả miền Đông

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết Sở GTVT vừa đề nghị TP.HCM bổ sung vào quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng năm 2030 cảng cạn tại KCN Đông Nam Củ Chi. Cảng cạn này cách cầu An Hạ 11 km theo hướng tính từ cầu An Hạ đi quốc lộ 22 - Lê Lợi - Quang Trung - Đặng Thúc Vịnh. Dự tính cảng cạn này rộng khoảng 10 ha, công suất đến năm 2020 đạt 150.000 TEU.

“Việc lập cảng cạn sẽ phục vụ cho KCN Đông, KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi). Trước mắt nó sẽ làm giảm áp lực các tuyến đường trên, nhất là quốc lộ 22. Về lâu dài, sau khi cầu Bình Lợi nâng tĩnh không thông thuyền (từ 1,5 m lên 6 m) thì hàng hóa sẽ vận chuyển thuận lợi hơn từ khu vực Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương) về cảng Cát Lái qua sông Sài Gòn” - ông Minh nói.

Còn ở hướng Tây TP.HCM, tại khu vực tiếp giáp giữa đại lộ Võ Văn Kiệt và đường cao tốc Trung Lương sẽ xây dựng cảng cạn Tân Kiên rộng 50 ha. Cảng này vừa nằm kế sông Chợ Đệm, vừa ở ngã ba hai tuyến đường nêu trên, lại trong khu vực dự kiến xây ga đường sắt quốc gia Tân Kiên. Như vậy khi hình thành thì nơi đây sẽ là đầu mối của ba loại hình vận tải thủy - bộ - sắt.

Cảng cạn chuyên biệt cho Khu công nghệ cao

Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TP vừa trình về xây dựng cảng sông dài 250 m cho khoảng 800 container thông qua/ngày đêm. Cảng nằm dọc rạch Trau Trảu, rộng khoảng 6 ha trong KCNC.

Lâu nay container từ KCNC phải chở bằng đường bộ qua cảng biển Tân Cảng - Cát Lái (quận 2), gây áp lực lớn cho các tuyến đường trong KCNC và đường vành đai 2, nút Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định.

Cảng sông theo đề xuất trên sẽ phục vụ cho KCNC, làm giảm áp lực cho các tuyến đường, nút giao vừa nêu và hàng hóa xuất nhập khẩu từ KCNC theo rạch Trau Trảu, sông Ông Nhiêu và sông Đồng Nai để vào cảng biển Tân Cảng - Cát Lái.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cảng sông nêu trên chỉ 6 ha nên chưa đủ tiêu chí của cảng cạn (phải từ trên 10 ha). Tuy nhiên, KCNC có thể đưa khu vực thông quan nội địa hiện có (ICD Transimes) vào thành hợp phần, nâng cấp thành cảng cạn ICD. Khi đó, hàng hóa từ trong KCNC chỉ phải làm thủ tục thông quan một lần và một tờ vận đơn là có thể đi thẳng ra các cảng biển như Tân Cảng - Cát Lái, Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu)…

_______________________________

30% đến 50% áp lực đường bộ sẽ giảm tải khi TP.HCM xây dựng 10 cảng cạn, bến sà lan, kho thông quan đến năm 2020. Ngoài ra, việc cảng cạn nằm kề, thông với cảng biển sẽ làm cho hàng hóa thông qua nhanh hơn.

Ông LÊ HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Sở GTVT