Món lạc rang có 1-0-2
Người ta đồn rằng ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội có bán món lạc rang húng lìu ăn một lần là mãi không quên. Không ít người nghĩ rằng, lạc rang nào mà chẳng giống nhau cho đến khi được ăn hạt lạc rang húng lìu đầu tiên. Hạt lạc tròn mẩy, đậm đà vị bùi ngon khó cưỡng. Lọt thỏm sâu trong ngõ, xa những tiếng hàn, gò, xa những tấm kim loại, tầng ba của căn nhà chất đầy những túi lạc nóng ấm, thơm dễ chịu.
Bà Nguyễn Thị Én, chủ hộ cũng là chủ nhân của món lạc rang húng lìu kể: “Gọi là lạc rang húng lìu vì món lạc được tẩm ướp trong vòng 20 giờ với 6 vị thuốc bắc gồm cỏ ngọt, thảo quả, quế, hoa hồi, cam thảo và 1 vị bí quyết rồi mới đem rang. Hạt lạc đạt tiêu chuẩn là vỏ giấy giòn mỏng, nhân màu vàng chanh tươi, thơm bùi”.
Cứ tưởng lạc ngâm thuốc bắc lâu sẽ bị trương, bà Én cười tươi giải thích, bột thuốc bắc được pha vào nước rồi vắt lấy cốt tinh túy ngâm tẩm vừa đủ để hạt lạc thấm đủ vị. Nguồn lạc nhà bà Én có hai loại là lạc đỏ và lạc trắng, thành phẩm lại chia tiếp thành mặn và ngọt. Lạc trắng được lấy từ Bắc Giang-nơi đất đỏ pha sỏi mới tạo nên hạt lạc thơm bở. Còn lạc đỏ được tuyển chọn từ vùng đất đỏ pha cát của Thái Nguyên mới có vị đậm bùi. Lạc cần bóc bằng tay để đảm bảo nguyên hạt, giữ trọn lượng tinh dầu thơm ngậy. Mặc dù, đã chọn lựa kỹ như vậy nhưng 1 kg lạc nguyên liệu chỉ cho 0,7 kg lạc thành phẩm.
Điều đặc biệt là, lạc được rang kèm với cát vàng sông Hồng đã rửa sạch dưới nước máy để lọc tạp chất rồi phơi khô . Ướp lạc là khâu quan trọng nhưng rang lạc mới là công đoạn đòi hỏi sự tính toán chuẩn xác, tinh tế. Nồi quay bỏng rát tay, không ai có thể nếm thử mà chỉ có thể nhìn vỏ lạc, căn đồng hồ để cảm nhận hạt lạc đã chín hay chưa. Nếu lạc quá lửa 2 phút là bị hỏng. Khi mẻ lạc nóng bỏng đổ ra cũng là lúc người thợ phải sàng bỏ cát rồi tự tay lựa bỏ từng hạt hư, sứt, hỏng để giữ lại những hạt lạc chắc mẩy, đều đặn, màu đẹp, tròn vị. Lạc chín được đổ vào túi giấy xi-măng, ủ trong chăn bông. Khách tới đặt mua, bà Én mới đóng lạc thành túi nhỏ. Vậy nên, bạn sẽ luôn nóng tay khi cầm túi lạc và hít hà được vị thơm nồng nàn đặc trưng.
“Bất ngờ với cách làm thủ công, tỉ mỉ từng hạt lạc”
Theo truyền thống, lạc được đóng gói khoảng 0,5kg trong túi nilon, lót một lớp giấy trắng, dày để giữ nhiệt. Cách thứ hai là gói lạc trong những tờ giấy nhỏ xinh. Ba gói lạc vừa 1 lạng. Sau này, nhiều người mang lạc húng lìu ra nước ngoài biếu tặng, bà Én cho lạc vào túi hút chân không, nhìn vừa đẹp lại lịch sự. Nhưng đa số, những vị khách lớn tuổi lại thích lạc rang đựng trong túi lót giấy. Bà Én tiết lộ: “Họ nói như vậy mới thấy gần gũi, thân thuộc. Cho lạc vào túi chân không thấy hiện đại quá, không quen”. Bản thân cô Én cũng thích những túi lạc lót giấy, chúng gợi cô nhớ về kỉ niệm những ngày đầu học gói lạc.
Trong vòng nửa buổi sáng, anh con trai cô khệ nệ xách đi giao hàng mồ hôi nhễ nhại, khách đến mua cũng đến 6, 7 người. Trong đó, tôi gặp ông Daisuke Watanabe -một vị khách người Nhật, đến cùng cô hướng dẫn viên xinh đẹp. Ông Daisuke bày tỏ: “Tôi đã ăn lạc rang rất nhiều nhưng món lạc này gây ấn tượng khiến tôi thích nhất. Rất nhiều lần, tôi được bạn ở Hàn Quốc, Nga hay Singgapo mời, tặng. Tôi nghĩ, thương hiệu này hẳn là có cửa hàng rất hoành tráng ở Hà Nội. Đến nơi, tôi rất bất ngờ với không gian làm lạc nhỏ hẹp và cách làm thủ công, tỉ mỉ đến từng hạt lạc. Tôi thích từ vị lạc cho đến cách người chủ giữ gìn nét truyền thống”.
Những tưởng, giá mà bà Én bán cho khách nước ngoài sẽ cao hơn trong nước một chút nhưng bà vẫn giữ nguyên giá. Bà Én cười hiền hậu: “Tôi chỉ tăng giá khi nguyên liệu tăng chứ không bán đắt hơn cho bất kỳ ai. Đấy cũng là cách chúng tôi giữ nét truyền thống”. Nghe vậy, ông Daisuke càng thích thú nên ông đã mua nhiều hơn. Ông Daisuke đi rồi, câu chuyện về món lạc lại tiếp tục.
Trong lúc ấy, một người phụ nữ trung tuổi bước đến trước cửa hỏi đây có phải là hàng lạc rang húng lìu không. Bà Én cười gật đầu. Thì ra, cô ấy tên là Huyền, nhà ở phố Hàng Bồ. Cô Huyền hồi tưởng: “Hồi xưa, căn nhà này là nhà bà ngoại em. Sau chiến tranh, nhà bà em chuyển đi. Em thường xuyên ăn lạc của ông nhà mình bán từ xưa. Mỗi lần, nghe tiếng chuông là em chạy ra mua. Dạo này, không thấy tiếng chuông quen thuộc nên em tìm sang đây. Ăn lạc nhà mình vừa thơm bùi, ngậy mà đều hạt, chẳng như những chỗ khác hạt lép, kẹ nhiều lắm”. Câu chuyện xưa và nay của hai người phụ nữ cứ thế quấn quýt trong mươi phút. Cô Huyền đi rồi vẫn ngoái lại nhìn căn nhà cũ, ánh mắt chứa đựng cả hoài niệm và niềm vui.
Truyền thống rang lạc 50 năm sẽ được phát huy
Khi bớt khách, bà Én ngồi gói những gói lạc nhỏ xinh như ba ngón tay để lát giao cho nhà hàng. Bà kể: “Cách gói lạc này đã 50 năm, từ thời bố chồng tôi. Ngày trước, ông rang, gói lạc rồi cầm chiếc chuông đi bán rong khắp phố. Sau này, tôi là người nối nghiệp bố còn chị Oanh, chị chồng tôi, lấy lạc rồi lắc chuông đi bán rong”. Mỗi ngày, tùy đơn hàng mà bà Én thường dậy từ 4-5 giờ sáng rồi tất bật làm hàng tới 9-10 giờ đêm.
Vất vả là vậy nhưng bà Én vẫn xởi lởi: “Làm nghề nào vui nghề đấy cháu ạ. Khách hàng vui vẻ, đến mua rồi quay lại là mừng. Nhiều khi, bận bịu, khách hối thúc liên tục nhưng cô chẳng phiền mà chỉ thấy vui. Họ giục giã vì vội cũng có khi vì nôn nóng …thèm lạc”.
Hơn 30 năm nay, bà Én cùng chồng nối nghiệp bố chồng rang lạc nuôi hai con ăn học. Con trai và con gái bà vừa tốt nghiệp đại học. Anh con trai lớn đã lập gia đình, học về công nghệ thông tin. Hiện tại, bà Én đang truyền nghề cho con trai và con dâu. Anh Nguyễn Tiến Anh, con trai lớn của bà Én bộc bạch: “Tôi học chuyên về CNTT, và chuẩn bị đi làm nhưng lúc rảnh rỗi, tôi muốn rang lạc, giao hàng giúp mẹ. Lạc rang húng lìu là truyền thống của gia đình, phải giữ chứ”.
Bà Én cho biết, hiện Hà Nội có nhiều hộ làm nghề lạc rang nhưng lạc rang húng lìu như nhà bà có vị gia truyền thì không ai có được. Ngày bà còn trẻ, từng có người hỏi bà, rang lạc vất vả có chán không. Bà Én tâm sự: “Làm nghề này không giàu cũng chẳng nghèo, chăm chỉ sẽ đủ ăn. Ai cũng cần tiền để sống nhưng tiền không phải là tất cả. Mình làm vì cái tâm và giữ gìn truyền thống gia đình mới quan trọng”.