Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) nhiệm kỳ III |
Sau thành công của một loạt sự kiện du lịch tại địa phương, nhất là trước những diễn biến đa chiều của các doanh nghiệp du lịch sau đại dịch COVID-19, Đà Nẵng đang có nhiều cơ hội bứt phá. Vì thế, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) - về định hướng của du lịch Đà Nẵng trong năm 2023
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên chi hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) lần thứ III, ông được tín nhiệm bầu giữ vị trí Chủ tịch Liên chi hội VISTA. Với vai trò này, ông sẽ định hướng hội Lữ hành Việt Nam như thế nào?
Ông Cao Trí Dũng: Sau Đại hội đại biểu toàn quốc Liên chi hội VISTA lần thứ III tại TP Đà Nẵng rất thành công, Thường trực Liên chi hội, trong đó có cá nhân tôi, sẽ cùng với các thành viên Ban chấp hành chuẩn bị triển khai Nghị quyết của Đại hội.
Cùng với việc phát huy những thành tựu đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, Liên chi hội sẽ định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp lữ hành thích ứng với tình hình mới bằng cách hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp theo từng vùng, khai thác các thế mạnh địa phương để tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thúc đẩy hình thành các sản phẩm mới, sản phẩm lữ hành tạo sự khác biệt, có vai trò dẫn dắt thị trường, để xúc tiến vào các thị trường chính, thị trường mới trên cơ sở phối hợp nguồn lực với các địa phương và hệ thống dịch vụ, đặc biệt là hàng không.
Du lịch nội địa đến Đà Nẵng phát triển ngay khi địa phương kiểm soát được dịch COVID-19 |
- Với vai trò mới của mình, ông sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng ra sao trong năm 2023, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Đà Nẵng và các địa phương khu vực miền Trung nằm trong định hướng phát triển chung của Liên chi hội. Trong đó, Đà Nẵng sẽ phát huy vai trò của các liên kết 3 địa phương, 5 địa phương, liên kết các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở tạo các sản phẩm chung và phối hợp nguồn lực xúc tiến để nhanh chóng thu hút du khách quay lại, giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Với định hướng này, tôi hy vọng Đà Nẵng sẽ là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh trong năm 2023 và cùng với các địa phương miền Trung thực sự trở thành một cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam.
- Năm 2022 được xem là năm khá khó khăn của doanh nghiệp du lịch, khi hậu quả nặng nề từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa mà chưa biết ngày trở lại, hàng loạt khách sạn phải rao bán... Vậy thì năm 2023 có dự báo những khó khăn của ngành du lịch không, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Năm 2022 là một năm chứng kiến nhiều khó khăn của doanh nghiệp du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp đã phải khôi phục lại hoạt động trong bối cảnh thị trường khách chưa quay lại đầy đủ, đặc biệt là khách quốc tế.
Các doanh nghiệp vừa phải bỏ chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng, thay mới trang thiết bị… do ít hoạt động trong thời gian dài, vừa tìm cách tạo sản phẩm mới, tăng chi phí quảng bá, quảng cáo, xúc tiến, vừa phải tìm kiếm đưa người lao động quay lại làm việc trong khi thị trường lao động du lịch bị sứt mẻ quá nhiều… Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào vốn vay thì khó khăn càng chồng chất khi các khoản nợ không còn được khoanh/giãn theo chủ trương của Chính phủ.
Thực trạng này dự báo một quá trình tái cấu trúc vốn/tài sản/lĩnh vực kinh doanh sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2023.
Quang cảnh sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2022 được tổ chức tại Đà Nẵng |
- Theo ông, để có thể tăng trưởng trong năm 2023, doanh nghiệp du lịch cần có những động thái gì để vượt qua những khó khăn và tăng trưởng trở lại?
Ông Cao Trí Dũng: Theo tôi, thứ nhất, doanh nghiệp cần khôi phục lại các hoạt động theo tiến độ phục hồi nguồn khách, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp. Thứ hai là phải có hướng đột phá về sản phẩm dịch vụ phù hợp với cấu trúc mới của chuỗi dịch vụ du lịch, khi mà du khách đã tiến gần hơn đến các dịch vụ cuối cùng.
Tiếp đến là cần nhanh chóng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tham gia sâu vào các hoạt động thương mại số. Thứ nữa là cần nhanh chóng khôi phục lực lượng lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, lao động đặc thù; và cuối cùng là phải cố gắng tìm kiếm lợi thế qua các hoạt động liên kết với hệ thống dịch vụ, với các hội, hiệp hội, với các địa phương…
Đà Nẵng liên tiếp đón các đường bay quốc tế ngay sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 |
- Năm 2022, Đà Nẵng tổ chức rất nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, nhằm thúc đẩy du lịch địa phương nói riêng và khu vực trọng điểm miền Trung nói chung. Ông có thể chia sẻ một số kết quả điển hình mà ngành du lịch Đà Nẵng đã đạt được trong năm 2022 và kỳ vọng của du lịch Đà Nẵng trong năm 2023?
Ông Cao Trí Dũng: Trong bối cảnh rất khó khăn của điểm đến vừa quay lại sau dịch, Đà Nẵng đã rất thành công trong việc tổ chức hàng loạt sự kiện lớn cho du khách/các tổ chức cả trong và ngoài nước như: Lễ hội mùa hè, Iron Man, Sự kiện xúc tiến đường bay châu Á (Asia Routes), giải golf châu Á… gần nhất là Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2022 được tổ chức rất thành công, chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo TP, của Sở du lịch và sức sống của cộng đồng doanh nghiệp, sức hút của điểm đến.
Các sự kiện này đã giúp quảng bá mạnh mẽ hình ảnh điểm đến, chứng minh năng lực phục hồi của điểm đến của Đà Nẵng. Kết quả là năm 2022, Đà Nẵng đã bắt kịp và vượt năm 2019 về khách trong nước, vượt sâu kế hoạch đặt ra cho việc phục hồi thị trường khách nước ngoài, tạo đà cho năm 2023.
Với những gì đã chuẩn bị, tôi hy vọng du lịch Đà Nẵng sẽ phục hồi mạnh mẽ thị trường khách quốc tế.
- Cảm ơn ông!