Sáng nay (18/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến ban đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo về dự kiến chương trình và thời gian tiến hành kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội làm việc 20,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 17/6/2020.
Trong đó, Quốc hội sẽ dành 11 ngày cho công tác lập pháp. Cụ thể dự kiến xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trong thời gian 5,75 ngày; cho ý kiến đối với 7 dự án luật trong thời gian 5,25 ngày.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
|
Bên cạnh đó, Quốc hội dành 9,5 ngày để xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước tại hội trường là 1,5 ngày và tại tổ là 0,5 ngày. Thực hiện giám sát chuyên đề tại hội trường trong thời gian 1 ngày; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020 tại hội trường là 0,5 ngày và tại tổ là 0,25 ngày. Xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại tổ là 0,25 ngày và tại hội trường là 0,5 ngày. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường trong thời gian 2,5 ngày.
Về các nội dung khác, Quốc hội dành 2,5 ngày thực hiện phiên khai mạc, bế mạc; trình bày tờ trình, báo cáo; thông qua luật, nghị quyết,...
Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại phiên họp, chỉnh lý dự kiến nội dung, thời gian, chương trình của kỳ họp; bảo đảm chất lượng và hiệu quả.