Huế cần phát triển theo hướng đô thị đôi với Đà Nẵng
Dưới góc nhìn liên kết vùng trong định hướng phát triển tiềm năng kinh tế của Thừa Thiên - Huế trong khu vực, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với định hướng đến năm 2025, Huế trở thành TP loại 1 trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng của Huế. Địa phương này cần sự chung tay của bốn nhóm tác động quan trong bao gồm các nhà đầu tư bất động sản, các nhà quản lý đô thị, các tổ chức doanh nghiệp và người dân.
“Đặc biệt, địa phương cần có định hướng chiến lược quan trọng của việc quy hoạch và phát triển các dự án bất động sản, trong mối tương quan gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển chung của Thừa Thiên - Huế thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, để không chỉ hướng đến hiệu quả về kinh tế đô thị mà còn phải đóng góp thực tiễn vào việc bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị, phát triển cộng đồng xã hội theo hướng bền vững” - TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Đánh giá tiềm năng của Thừa Thiên – Huế trong tương lai, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn phân tích, cơ hội của Thừa Thiên - Huế chính là phát huy đặc điểm dải đất miền Trung dài và hẹp nên không thể phát triển theo mô hình cổ điển vùng đô thị hướng tâm. “Thừa Thiên - Huế không thể là một đô thị lớn đóng vai trò trung tâm của vùng đô thị và bao quanh các phía bởi các tỉnh thành đóng vai trò các vệ tinh, mà chỉ có thể phát triển theo mô hình vùng đô thị tuyến” - TSKH.KTS. Ngô Viết Nam đề xuất.
Danh thắng Hải Vân Quan, một minh chứng cho sự hợp tác giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng |
Cũng theo TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng một mình sẽ không đủ điều kiện để trở thành đô thị trung tâm vùng đô thị như Hà Nội hay TP HCM, bởi điều kiện khách quan hạn chế về địa lý và quỹ đất.
Đưa ra khái niệm khai thông “con đường chính trị” với các hoạt động hợp tác phát triển chung giữa 2 địa phương sẽ khai thông “con đường đầu tư” phi biên giới hành chính, vừa góp phần thu hút đầu tư tại Thừa Thiên – Huế trong tương lai, vừa góp phần gia tăng giá trị và bảo tồn di sản Huế, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh: “Nhìn từ tư duy liên kết vùng, việc hình thành cụm đô thị đôi Huế - Đà Nẵng (Twin Cities) với vai trò 'dải đô thị trung tâm dạng tuyến' là điều cần phải làm và tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai".
Đồng thời KTS.Ngô Viết Nam Sơn khẳng định, định hướng này sẽ giúp Thừa Thiên - Huế phát triển cùng với Đà Nẵng và đóng vai trò vừa là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, vừa là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cả hai đô thị sẽ cùng nhau giúp nâng giá trị đóng góp cho kinh tế cả nước của vùng lên tầm cao mới, tương xứng với các tiềm năng phát triển.
Phải phát triển Huế vừa giàu có, vừa sang trọng
Đề xuất giải pháp quy hoạch cho Thừa Thiên – Huế trong tương lai, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Thừa Thiên – Huế cần bảo tồn và chỉnh trang nâng cấp các di sản hiện có. Trong đó, quần thể di tích cố đô Huế không những cần được bảo tồn, mà còn cần được chỉnh trang nâng cấp dịch vụ thương mại cho các khu vực lân cận theo hướng kết nối với nhau, tạo thành một hệ thống phục vụ du lịch văn hóa hoàn chỉnh và hiệu quả.
Cũng theo vị chuyên gia này, song song với việc bảo tồn các quần thể di tích, những khu vực nội thành mang dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, Huế cần tôn tạo trục không gian Sông Hương, cảnh quan Núi Ngự cùng các khu vực di sản khác để tạo điểm nhấn và dấu ấn đặc trưng của các thời kỳ phát triển của địa phương.
Bên cạnh đó, ông Sơn khuyến nghị đối với các khu vực nhiều tiềm năng lớn trong việc chỉnh trang và phát triển các khu đô thị ven sông Hương và sông Đông Ba, địa phương cần được quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang, nâng cấp để vừa giữ gìn được di sản, vừa quảng bá các giá trị này ra thế giới, trong khi vẫn đem lại lợi ích kinh tế từ các nguồn thu về du lịch văn hóa và dịch vụ thương mại.
Tuy vậy, chuyên gia này cũng cảnh báo các nhà đầu tư địa ốc không nên tìm cách phát triển đan xen nâng mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây các dự án cao tầng, như tình trạng đang xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam. Thay vào đó, địa phương này nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản, theo kinh nghiệm thu thập từ các đô thị di sản trên thế giới như: Rome, Paris, Kyoto,... để vừa giữ gìn được bản sắc lịch sử, vừa góp phần tạo nên động lực phát triển kinh tế du lịch và văn hóa.
“Việc khuyến khích phát triển các khu đô thị mới văn minh, cao tầng, với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai vừa giúp giảm mạnh áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu, nhờ đó vừa tăng trưởng đô thị, vừa gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản Huế” - ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Một góc đô thị Huế |
Đánh giá cơ hội phát triển của Thừa Thiên - Huế trong tương lai, TS.Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Huế có nhiều cơ hội vừa trở nên giàu có, vừa sang trọng, tức là giàu kinh tế nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa lịch sử từ lâu đời. Lâu nay, Huế vẫn loay hoay chuyện bảo tồn phát triển. Chúng ta hãy nhìn rộng ra, theo gương tiền nhân khai phá các vùng đất mới nhằm có thể đem lại các lợi ích kinh tế cao cho toàn tỉnh, chứ không việc gì cứ phải chen chúc bám vào đất cũ, là nơi vẫn nên ưu tiên hơn cho việc bảo tồn di sản của tiền nhân, dành cho các hoạt động du lịch di sản và văn hóa”.
Lạc quan với định hướng này, ông Ngô Viết Nam Sơn khẳng định: “Bên cạnh không gian "Huế Xưa" với thành quách đền đài, Thừa Thiên – Huế sẽ có thêm không gian "Huế Mới" với các vùng đô thị mới hiện đại văn minh, với nhà cao tầng, dịch vụ vụ thương mại quốc tế, hạ tầng đường cao tốc và metro,... Chúng ta có thể kỳ vọng các khu đô thị mới sẽ mang bản sắc thế kỷ 21 của Thừa Thiên – Huế và đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp với môi trường đô thị đáng sống tầm cỡ quốc tế cho các thế hệ tương lai, với văn hóa tri thức cao, thu nhập cao”.