Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng mạnh, đã vượt thời điểm trước dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng trong quý II/2022 đạt 12,37% so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt, quy mô kinh tế Đà Nẵng đã tăng gần 6.490 tỉ đồng (tăng 7,92%) so với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19).
Du lịch Đà Nẵng đã tăng trưởng trở lại trong quý II/2022
Du lịch Đà Nẵng đã tăng trưởng trở lại trong quý II/2022

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế có tín hiệu phục hồi khả quan. Tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng trong quý II/2022 đạt 12,37% và 6 tháng qua đã tăng 7,23% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, dịch vụ tăng 9,8%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,4%; thu ngân sách đạt khá, hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước khởi sắc.

Đà Nẵng là địa phương có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh, hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng trong quý II/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 28/63 tỉnh thành, xếp thứ 4 trong 5 TP trực thuộc Trung ương và xếp thứ 2/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Quảng Nam).

Đặc biệt, quy mô kinh tế tăng gần 6.490 tỉ đồng (tăng 7,92%) so với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19), trong đó, khu vực dịch vụ tăng 6.098 tỉ đồng.

Du lịch bứt phá

Lĩnh vực du lịch lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực, bứt phá kể từ cuối quý I/2022. Nhiều điểm du lịch tại Đà Nẵng đón lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống quý II/2022 ước tăng 63,2% so với cùng kỳ năm 2021, riêng doanh thu dịch vụ lưu trú trong quý II/2022 tăng 2,9 lần so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hoá 6 tháng ước đạt 31.917 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh, ước tính đến cuối tháng 6/2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 170.000 tỉ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2021 và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Lĩnh vực xây dựng-công nghiệp đã bắt đầu hồi phục, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất ngành xây dựng 6 tháng ước đạt 7.073,5 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách hơn 13.000 tỉ đồng

Trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 5.804 tỉ đồng; cấp mới 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 67 triệu USD.

Đà Nẵng cũng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 2.461 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ lên đến 13.818 tỉ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 19,6% về quy mô vốn so với cùng kỳ 2021.

Tính đến ngày 27/6, Đà Nẵng đã có 351 dự án đầu tư trong nước nằm ngoài các KCN với tổng vốn đầu tư 131.750 tỉ đồng; 380 dự án đầu tư trong nước nằm trong các KCN với tổng vốn đầu tư trên 30.051 tỉ đồng và 930 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên đến 3,92 tỉ USD; có 34.988 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 235.117 tỉ đồng.

Trong tháng 6/2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Đà Nẵng ước đạt 13.356,75 tỉ đồng, bằng 68% dự toán HĐND TP giao, trong đó thu nội địa ước đạt 10.405,36 tỉ đồng, thu thuế xuất khẩu ước đạt 2.942,22 tỉ đồng.

Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, mặc dù kinh tế Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng tăng trưởng vẫn chưa đồng đều. Hầu hết các lĩnh vực đều phục hồi tốt, nhưng dịch vụ lưu trú, ăn uống chưa phục hồi hoàn toàn (giá trị tăng thêm 6 tháng 2022 vẫn thấp hơn cùng kỳ 2019 là 16,6%); khu vực công nghiệp, xây dựng có phục hồi nhưng còn chậm..

Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút đầu tư FDI các tháng đầu năm 2022 giảm về số vốn so với cùng kỳ do thiếu quỹ đất; tiến độ quy hoạch phân khu TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 còn chậm.