Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính

E-magazine “Kinh nghiệm Quảng Ninh sẽ là hành trang cho anh Chính đảm trách cương vị cao hơn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Chắc chắn kinh nghiệm lãnh đạo Quảng Ninh thành công trong giai đoạn 2011-2015 sẽ là hành trang quý báu cho anh Chính khi đảm trách cương vị cao hơn trong hệ thống lãnh đạo quốc gia”, TS Trần Đình Thiên.

LTS: VietTimes xin trân trọng gửi tới bạn đọc cuộc trò chuyện của nhà báo Xuân Ba với TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về những thành tựu của Quảng Ninh, một trong những địa phương năng động, có tư duy đổi mới và vì vậy, có tốc độ chuyển đổi và phát triển khá nhanh. Trong thành công này có vai trò rất quan trọng của tập thể lãnh đạo Quảng Ninh, đặc biệt là người đứng đầu Đảng bộ Quảng Ninh thời bấy giờ - Bí thư Phạm Minh Chính.

Những ý kiến, nhận xét, đánh giá của TS Trần Đình Thiên phần nào cho thấy tư duy phát triển ở tầm vĩ mô, sự năng động và tính quyết đoán của ông Phạm Minh Chính. Và việc ông Chính được lựa chọn làm người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ mới không phải là ngẫu nhiên.

Nhà báo Xuân Ba: Còn nhớ cách đây nhiều năm, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, khi đó với cương vị là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, từng bươn chải hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đã có phát ngôn khá ấn tượng. Câu ấy là “Ở đâu, lãnh đạo địa phương quyết liệt thì ở đó, hiệu quả điều hành khác hẳn”. Và, ông đã ngay và luôn dẫn ra trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính là đổi mới, năng động nhất…

-TS Trần Đình Thiên: Anh Phạm Minh Chính là người có tính cách quyết liệt. Rất quyết liệt, trong cả tư duy lẫn hành động. Tôi nghĩ đức tính đó, trong nhiệm kỳ anh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, là một trong những yếu tố giúp Quảng Ninh tạo bước chuyển mang tính đột phá, nhập vào quỹ đạo phát triển mới, xác lập tầm thế mới.

Nói như vậy không có gì là quá lời, tâng bốc. Thành tích phát triển đặc biệt ấn tượng của Quảng Ninh 10 năm qua, khởi đầu từ khi anh Chính về làm Bí thư Quảng Ninh, cho đến tận hôm nay, sau khi anh đã rời cương vị lãnh đạo Quảng Ninh 5 năm, tôi nghĩ là minh chứng đủ thuyết phục cho nhận định đó.

Nhưng cái tôi muốn nhấn mạnh là nền tảng khác biệt của sự quyết liệt đó. Không phải ai quyết liệt, chỗ nào quyết liệt cũng thành công. Đa số sự “quyết liệt” kết cục đều lâm vào tình thế “quyết” thì “liệt”.

Trong thực tiễn phát triển, như chúng ta thấy, số người hô “quyết liệt” thì nhiều nhưng hành động đúng cách chẳng có bao nhiêu. Kết cục là trì trệ, chậm phát triển, khó phát triển. Ông Lenin cũng đã từng cảnh báo những người cộng sản rằng “nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ dẫn tới phá hoại” mà.

Anh Chính là một vị Bí thư hành động. Thông thường, chức năng chính của Bí thư là “định hướng, nêu chủ trương và chỉ đạo chung”, còn tổ chức thực hiện thì thuộc vai khác. Nhưng như tôi biết, anh Chính không chỉ lãnh đạo bằng “chủ trương, định hướng chung” và “chỉ đạo tầm cao”. Điểm nổi bật trong cách lãnh đạo của anh là lăn xả vào thực tiễn, chỉ đạo qua thực tiễn, đúc kết định hướng và giải pháp chiến lược từ hoạt động thực tiễn. Nội hàm “quyết liệt” của vị Bí thư này không nặng về cách làm “hùng hục”.

Bằng sự quyết liệt thực tiễn hiệu quả, anh thuyết phục được bộ máy, cả ở địa phương lẫn Trung ương, và đặc biệt, giành được sự tin cậy của người dân Quảng Ninh. Mà ở đất Quảng Ninh lúc đó, đạt được sự tin cậy như vậy không hề đơn giản.

Tất nhiên, nói như vậy là chưa đủ. Để sự “lăn xả thực tiễn” mang lại kết quả đích thực phát triển vượt trội, nó phải được hỗ trợ bằng hai yếu tố khác: Tầm nhìn vượt trội và tư duy đột phá. Ở anh Chính, đây cũng là hai phẩm chất nổi bật.

Tôi cho rằng hai yếu tố này mới đích thực là căn gốc dẫn sự quyết liệt hành động đi tới thành công ở Quảng Ninh những năm qua. Chủ trương dựa vào lợi thế “di sản thiên nhiên hàng đầu thế giới”, đưa Quảng Ninh phát triển vượt tầm, nhập vào đẳng cấp quốc tế hàng đầu bằng những giải pháp “đột phá – khác thường” mà anh Chính đề xuất - triển khai chắc chắn có gốc rễ từ những phẩm chất đó.

Nhà báo Xuân Ba: Năng lực điều hành, quản lý và quản trị ấy, vị Tướng công an này chưa có sẵn hoặc đã được tập dượt? Ông Chính là người đã làm thay đổi diện mạo cơ chế và kinh tế Quảng Ninh. Ông Chính đã góp phần tạo cho tỉnh này hình ảnh một địa chỉ đầu tư thân thiện, hấp dẫn hơn, chứ không chỉ khoe và dựa vào thế mạnh trời cho như Than và Vịnh Hạ Long. Xin TS cắt nghĩa sự phát lộ ấy?

-TS Trần Đình Thiên: Chắc trong năng lực điều hành, quản lý và quản trị đó của anh Chính có một phần là “có sẵn”, nhưng có lẽ “phần nhiều - vẫn là - do giáo dục mà nên” thôi.

Thêm vào đó, như nhiều người biết, anh Chính có sức làm việc hiếm có. Đây cũng là một phần cấu thành nên tính cách quyết liệt của anh ấy.

Còn về việc lựa chọn cách tiếp cận phát triển để thay đổi diện mạo của Quảng Ninh, vấn đề được đặt ra rất chính xác: để Quảng Ninh phát triển, không phải và không thể chỉ dựa vào những “lợi thế trời cho” – cho dù toàn là những “lợi thế tuyệt đối”. Ngàn đời, Quảng Ninh vẫn có các lợi thế đó: than đá – “vàng đen” lộ thiên, Vịnh Hạ Long - “kỳ quan thiên nhiên thế giới”, nhưng cho đến cách đây vài chục năm, Quảng Ninh vẫn chưa thể bay lên. Người dân Quảng Ninh vẫn nỗ lực đào than, hàng ngày “tận hưởng” vẻ đẹp Vịnh Hạ Long mà vẫn chưa giàu.

Vì sao vậy? Vì Quảng Ninh thiếu một số nguồn lực rất cơ bản để khơi dậy tiềm năng và nhập được vào quỹ đạo phát triển hiện đại. Căn nguyên là do Quảng Ninh thiếu một cơ chế phù hợp, thiếu không gian cần thiết để hội tụ các nguồn lực phát triển hiện đại.

Trong xu thế “đổi mới kinh tế”, Bí thư Phạm Minh Chính đã góp phần tạo cú hích quyết định sự chuyển mình thể chế ở Quảng Ninh. Đó là nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đột phá, mở cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có năng lực. Ví dụ về việc này có nhiều, thường được báo chí nêu nên không cần kể ra cụ thể ở đây.

Có lẽ sau Bình Dương, Quảng Ninh là tỉnh đưa ra những cam kết mạnh mẽ, có sức hấp dẫn to lớn đối với các nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2015, Quảng Ninh thật sự trở thành tỉnh đáng tin cậy trong việc thực hiện các cam kết phát triển với dân và với nhà đầu tư.

Tôi nghĩ đó là “bí quyết Quảng Ninh”. Không nhiều địa phương tạo ra được sức hấp dẫn “đại bàng Việt”, tạo điều kiện thuận lợi để chúng trưởng thành.

Ông hỏi nguyên nhân của “sự phát lộ” ấy, tức là cách tiếp cận phát triển mới của anh Chính. Câu hỏi rất hay, nhưng khó trả lời đầy đủ, dễ bị hiểu lệch.

Tôi có cơ hội tiếp xúc với anh Chính ngay khi anh mới “nhậm chức” ở Quảng Ninh, được trực tiếp trao đổi và chia sẻ với anh ấy những ý tưởng về phát triển Quảng Ninh từ đầu nên ít nhiều cảm nhận được suy tư của anh ấy.

Đầu tiên là sự trăn trở, vật lộn với ý nghĩ về tình trạng tụt hậu phát triển của đất nước, vận vào tình thế cụ thể của Quảng Ninh, vùng đất có tài nguyên giàu và đẹp mà mãi vẫn nghèo, vẫn kém và khó phát triển.

Anh Chính hay nhấn mạnh hình ảnh “Quảng Ninh là Việt Nam thu nhỏ” và “chuyển từ “nâu” sang “xanh” khi xây dựng chiến lược phát triển cho Quảng Ninh. Sự nhấn mạnh đó tôi biết không hề là tình cờ. Nó chứa đựng hàm ý về tầm nhìn phát triển, về một khát vọng phát triển mạnh mẽ đặc biệt dành cho Quảng Ninh – và có lẽ không chỉ cho Quảng Ninh.

Đó chính là căn gốc, cũng là sự khởi đầu cho việc quyết chọn chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã “ám ảnh” Quảng Ninh nhiều thập niên nhưng không thực hiện được.

Nhà báo Xuân Ba: Hẳn ông đã đọc một số tác phẩm của PGS-TS (chuyên ngành Luật) Phạm Minh Chính, trong đó có cuốn “Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và Đột phá” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) và cuốn “Bối cảnh tài chính Việt Nam 1997 - 1998 và 2007 - 2008: Khoảng cách và biến đối”. Có phải manh nha từ cái duyên học thuật ấy đã chắp cánh cho nhà kỹ trị Phạm Minh Chính sau này?

-TS Trần Đình Thiên: Tôi có đọc những cuốn sách nêu trên. Đó là những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn mà anh Chính là “đồng Chủ biên”. Không nhiều nhưng chúng cho phép nhận biết và đánh giá tầm hiểu biết lý luận và thực tiễn về kinh tế vĩ mô của tác giả. Tôi có ấn tượng mạnh đối với cuốn “Kinh tế Việt Nam – Thăng trầm và Đột phá”, được anh viết chung với TS Vương Quân Hoàng. Qua cuốn sách này, tôi hiểu cách tư duy hướng tới đột phá mạnh của anh Chính. Cũng nhờ hiểu trước mà khi gặp và chia sẻ với anh về các vấn đề kinh tế, chúng tôi hiểu nhau nhanh và dễ đồng cảm, nhất trí cả trên những khía cạnh gai góc.

Nhưng tôi không nghĩ những cuốn sách đó là sản phẩm của cái gọi là “duyên học thuật”. Anh Chính được đào tạo bài bản, có tri thức cơ bản về kinh tế. Thêm vào đó là năng lực, sự trăn trở và sau này, cả trách nhiệm nữa – để anh Chính kết hợp lại và vận dụng thành công vào công việc lãnh đạo ở Quảng Ninh.

Song, để đánh giá đúng sự thành công đó, có lẽ phải nhấn mạnh một yếu tố, một phẩm chất nổi bật khác trong vai Chính trị gia của ông Bí thư này: tinh thần cầu thị và khả năng tập hợp những người có năng lực vượt trội để giải quyết các vấn đề phát triển, trong đó, đặc biệt là các doanh nhân giỏi.

Chân dung đẹp mà Quảng Ninh có được hiện nay chắc chắn có sự góp sức tích cực và có chất lượng của nhiều nhà khoa học, chuyên gia và doanh nhân lớn. Việc họ “tụ” lại, tạo động lực phát triển mạnh cho Quảng Ninh một phần rất quan trọng chính là nhờ tinh thần cầu thị của người đứng đầu tỉnh.

Nhà báo Xuân Ba: Những sáng tạo, linh hoạt, chủ động của chính quyền là bệ đỡ vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, để nguồn vốn tư nhân sử dụng hiệu quả, đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. Nhân đây, xin TS nhận xét về những cú hích của những “quả đấm thép” như SunGroup, VinGroup, FLC… với Quảng Ninh?

-TS Trần Đình Thiên: Phải nói ngay rằng sự thay đổi diện mạo đáng kinh ngạc của Quảng Ninh trong 10 năm gần đây chủ yếu là nhờ công của những “Đại bàng Việt”. Quảng Ninh, và một số ít địa phương khác – Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, v.v. đã và đang chứng minh năng lực của doanh nghiệp Việt Nam – tự mình có thể giải quyết những vấn đề phát triển lớn và khó khăn của đất nước.

Chính mẫu hình Quảng Ninh cung cấp những luận cứ thuyết phục chứng minh khả năng đóng vai trò “trụ cột phát triển” của các tập đoàn kinh tế Việt Nam, bao gồm các Tập đoàn kinh tế tư nhân một khi chúng được tin cậy và đối xử công bằng. Rất đáng lưu ý rằng những luận cứ này được in dấu rõ trong một số luận điểm đường lối mới được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tôi chỉ xin nêu một trường hợp điển hình để minh chứng: Việc Quảng Ninh “cho phép” và tạo cơ hội cho SunGroup xây dựng sân bay Vân Đồn thật sự đã giúp khẳng định bước ngoặt trong tư duy về vai trò và năng lực của doanh nghiệp tư nhân Việt, rằng niềm tin giữa chính quyền và doanh nghiệp tư nhân Việt sẽ tạo một động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Kinh nghiệm thế giới chứng minh rằng một quốc gia chỉ trở thành “cường quốc kinh tế” nhờ những “con đại bàng” của chính mình chứ không thể dựa “ròng” vào các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Và kinh nghiệm của Quảng Ninh, về nguyên tắc, phù hợp với “thông lệ” đó.

Nhà báo Xuân Ba: Hiệu quả của phương tiện đối tác công - tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tại Quảng Ninh đã manh nha chắp nối cho những ý tưởng, cách làm sau này quen gọi là làm tổ lót ổ cho đại bàng. Nhà nghiên cứu kinh tế Trần Đình Thiên có thêm bình luận gì?

-TS Trần Đình Thiên: Quảng Ninh thời anh Chính làm Bí thư đã thực hiện rất tốt nguyên lý “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Điển hình nhất là việc xây dựng con đường cao tốc nối Hạ Long – Hải Phòng, rút ngắn được gần 50km, kéo Hạ Long gần với sân bay Cát Bi và nối liền đường Cao tốc 5B Hải Phòng - Hà Nội mà anh Phạm Minh Chính là tác giả của sáng kiến, cũng là người đứng ra đốc thúc, tổ chức thực hiện. Hiệu quả của con đường giờ đây không còn là vấn đề phải bàn cãi, song để xây dựng được nó, Quảng Ninh đã phải vượt qua lối tư duy cũ kỹ, bám chặt con đường “truyền thống” dù dài gấp gần 3 lần con đường mới, phải giải quyết tình trạng cục bộ địa phương và xung đột lợi ích, cộng với những khó khăn về nguồn vốn.

Đó là một trong những con đường “làm tổ” để “mời gọi đại bàng” của Quảng Ninh. Con đường này còn tạo liên kết phát triển với Hải Phòng, tăng thêm động lực phát triển cho Hải Phòng, đồng thời giúp giảm mạnh cảnh đìu hiu thưa thớt xe chạy trên con đường cao tốc 5B tiêu rất nhiều vốn nhà nước.

Nhưng nếu chỉ quy tổ đại bàng chỉ là vốn mồi đầu tư công hay làm tốt hạ tầng giao thông kết nối thì quả thật là rất không đủ, cho dù đó là những yếu tố đặc biệt quan trọng. Trong tư duy mời gọi Đại bàng của Quảng Ninh là cả một bộ tổ hợp các giải pháp. Trong đó, có việc xây dựng rất sớm “Trung tâm Hành chính công”, có việc cải cách bộ máy bắt đầu từ việc thi tuyển lãnh đạo Sở, ngành và điều chỉnh, cắt giảm biên chế theo nguyên tắc công việc. Đây là những sáng kiến mang tên Phạm Minh Chính, giúp tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng và có sức hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ.

Trong một lần đối thoại chính sách, anh Chính cũng nói với tôi rằng để kéo doanh nghiệp tốt về thì Quảng Ninh phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt. Muốn vậy, một mặt phải khẩn trương xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng; mặt khác, phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nơi khác theo đúng nguyên tắc cạnh tranh thị trường.

Đại thể tư duy “làm tổ đại bàng” của Quảng Ninh là tổng thể chứ không phải chỉ bằng vài giải pháp đơn lẻ như xây dựng nhiều khu công nghiệp hay làm hạ tầng giao thông thật tốt. Tổ đại bàng bao gồm “phần mềm” là cơ chế, chính sách và bộ máy, kết hợp với “phần cứng” – hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, giờ mở ra cả hạ tầng số, cộng với nguồn nhân lực tốt.

Đó là cách tiếp cận khoa học, dựa trên tư duy hệ thống và thực sự có tầm. Chỉ có cải “tổ đại bàng” như vậy mới giải thích được tại sao các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh của Việt Nam đang tụ về mảnh đất Quảng Ninh nhiều như vậy.

Nhà báo Xuân Ba: Xin Tiến sĩ làm rõ hơn hay chia ở thì tương lai gần rằng cái vốn liếng đột phá ở Quảng Ninh liệu có trở thành hành trang hay bửu bối sau này của người đứng đầu Chính Phủ.

-TS Trần Đình Thiên: Chắc chắn kinh nghiệm lãnh đạo Quảng Ninh thành công trong giai đoạn 2011-2015 sẽ là hành trang đặc biệt quý báu, hay như ông nói – bảo bối cho anh Chính khi đảm trách cương vị cao hơn trong hệ thống lãnh đạo Quốc gia.

Bản thân tôi cũng mong – và tin – như vậy. Tin anh Chính sẽ giữ được và tiếp tục phát huy tốt những phẩm chất và năng lực mà anh đã sử dụng rất tốt ở Quảng Ninh.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh: địa phương và quốc gia là những phạm trù có tầm vóc và đẳng cấp khác nhau. Mỗi thứ có mục tiêu, điều kiện thực hiện và đòi hỏi những năng lực rất khác nhau. Không thể suy trực tiếp, tuyến tính từ cấp “địa phương” sang cấp “Trung ương” được.

Lãnh đạo điều hành ở cấp quốc gia chắc chắn là một thách thức mới, lớn, có tính chất và thuộc đẳng cấp khác việc lãnh đạo điều hành cấp địa phương. Thách thức đó còn lớn gấp bội trong bối cảnh “chuyển đổi kép” hiện nay của nền kinh tế – vừa khẳng định “nền kinh tế thị trường đầy đủ”, vừa bứt phá để nhập nhanh vào thời đại số trong một thế giới mà “bất thường, bất ổn và bất định” là thuộc tính.

Diễn biến tình hình năm 2020 vừa qua không chỉ xác nhận năng lực, bản lĩnh điều hành hiệu quả của Chính phủ nhiệm kỳ qua và của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nó còn cho thấy mức độ phức tạp, gay go và tính chất bất thường của những thách thức mà Chính phủ nhiệm kỳ mới cùng vị Thủ tướng kế nhiệm đối mặt.

Đó là chưa kể những thách thức bắt nguồn từ thay đổi đẳng cấp quyền lực đặt ra cho bất cứ cá nhân nào – theo nghĩa quyền lực có thể xây nên tượng đài vinh quang nhưng cũng có thể đưa con người vào bẫy của sự tha hóa.

Cho dù vậy, với riêng cá nhân tôi, trong cảm nhận về anh Phạm Minh Chính, tôi vững tin rằng anh Chính sẽ là người xứng đáng với trọng trách mà anh sẽ nhận lãnh tại một thời điểm chuyển mình hết sức đặc biệt của đất nước trong thời đại khác thường hiện nay.

Tôi tin vì hai điều: tinh thần cầu thị và bản lĩnh vững vàng của cá nhân người nhận lãnh trọng trách đó – Ông Phạm Minh Chính.

Nhà báo Xuân Ba: Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!