Kinh doanh “treo đầu dê, bán thịt chó” và thói đạo đức giả

VietTimes – Ngày 21/6, thông tin Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam nhập hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ hàng Việt Nam để bán ra thị trường chẳng khác gì gáo nước lạnh tạt vào nền kinh tế nước nhà và dư luận.
Phạm Văn Tam nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó rất đáng chú ý là sản phẩm của Asanzo được người tiêu dùng trong nước bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Phạm Văn Tam nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó rất đáng chú ý là sản phẩm của Asanzo được người tiêu dùng trong nước bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Một lần nữa, dư luận lại bức xúc và hỏi, vì đâu mà thói quen “treo đầu dê, bán thịt chó” vẫn tồn tại trong xã hội ta. Ngành chức năng, hải quan, thuế vụ, công an và quản lý thị trường ở đâu và đã làm gì để cho các đối tượng lừa người tiêu dùng ngay giữa thanh thiên bạch nhật như vậy?

Đến nay, động thái đáng chú ý mà dư luận ghi nhận được là ngay sau thông tin này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã xin lỗi người tiêu dùng và tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn đối với Asanzo.

Phạm Văn Tam, nhân vật đặc biệt và điển hình được giới trẻ trong xã hội ngưỡng mộ vì tinh thần khởi nghiệp mà không học đại học.

Phạm Văn Tam, nhân vật đặc biệt và điển hình được giới trẻ trong xã hội ngưỡng mộ vì tinh thần khởi nghiệp mà không học đại học.

Trước khi những thông tin về cách làm ăn “treo đầu dê bán thịt chó” được bung ra thì người dân và xã hội biết đến thương hiệu Asanzo qua các sản phẩm điện tử gia dụng nổi như cồn. Người dân tự hào vì có một doanh nhân tiêu biểu cung cấp cho thị trường các sản phẩm mang thương hiệu Việt, lĩnh vực vốn ít lợi thế so với nước ngoài. Đáng chú ý là, bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ tại Việt Nam kèm slogan "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Sau khi bị lật tẩy, ông chủ của tập đoàn này là CEO Phạm Văn Tam đã phải thừa nhận hành vi gian dối này.

Sự việc “treo đầu dê, bán thịt chó” xảy ra ở một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam lần này gợi nhớ đến chiếc khăn lụa hai nhãn mác của Công ty TNHH Khải Đức bị phát hiện cách đây hai năm trước. Sau hơn 1 tháng kiểm tra, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận là, từ năm 2009 đến giữa tháng 10/2017, công ty Khải Đức không hề nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến khi bị phát hiện hành vi gian dối, công ty này cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước mà chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng  "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường.

“Doanh nhân” Hoàng Khải (tức Khải silk) đã lừa người tiêu dùng Việt Nam bằng thứ hàng hóa không như quảng cáo suốt gần 30 năm mới bị phát hiện.
“Doanh nhân” Hoàng Khải (tức Khải silk) đã lừa người tiêu dùng Việt Nam bằng thứ hàng hóa không như quảng cáo suốt gần 30 năm mới bị phát hiện.

Cũng theo kết luận của Bộ Công thương, một số mẫu sản phẩm của công ty này bán cho người tiêu dùng không có thành phần silk (lụa), khác so với thông tin công bố trên nhãn hàng hóa, là "100% silk" và trái với những gì mà “doanh nhân” Hoàng Khải đã quảng cáo. Và một điều lạ khi “doanh nhân” này thú nhận đã nhập lụa từ Trung Quốc về bán lẫn với lụa Việt Nam từ giữa những năm 1990 đến khi bị phát hiện.

Việc các doanh nghiệp trốn thuế, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xảy ra xưa nay không phải hiếm nếu như không muốn nói là chuyện thường ngày. Khoa học công nghệ càng phát triển thì việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng càng tinh vi. Xin chưa bàn đến những thủ đoạn trong làm ăn của các doanh nghiệp và doanh nhân nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất là tại sao hiện tượng ấy lại xảy ra ở một tập đoàn lớn, chẳng khác nào “con voi chui lọt lỗ kim” trong thời gian dài!

Một trong những chức năng của các cơ quan, đơn vị: Hải quan, thuế, công an, quản lý thị trường... là giúp Nhà nước duy trì thị trường cạnh tranh lành mạnh, giúp sản xuất, kinh doanh phát triển, thúc đẩy nền kinh tế; phát hiện ra những sai phạm để xử lý. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, vấn đề này chưa được thực hiện ráo riết và quyết liệt. Thế nên, chẳng lạ khi những con voi vẫn cứ chạy và phi qua lỗ kim là chuyện bình thường.

Dư luận chưa hết thất kinh vì “doanh nhân” Trịnh Sướng bán xăng giả trong thời gian dài ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Tây Nguyên thì nay lại đến “thành tích” của Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam. Anh Phạm Văn Hùng, chủ hiệu tạp hóa ở quận Long Biên (TP Hà Nội) nêu chính kiến rằng, khi đã có ý định để làm cái gì đó thì bao giờ đối tượng cũng lường trước cách “bịt lỗ hổng” để có thể lách qua. Anh phán đoán là, trong trường hợp này, Asanzo đã “bịt các lỗ hổng” bằng thủ đoạn để doanh nghiệp có tên khác do chính họ vẽ ra nhập hàng và còn bằng cả những thủ đoạn nào khác nữa mà dư luận rất muốn biết? Anh nhận định, trong những thủ đoạn ấy không loại trừ cả việc Asanzo đã mua đứt các cán bộ có quyền thuộc các cơ quan chức năng của nhà nước về quản lý chất lượng hàng hóa và cả chính quyền địa phương. Nhưng hy vọng, đây chỉ là nghi ngờ thiếu căn cứ mà thôi!

Hiện nay, đất nước chúng ta rất cần người tài, trong đó đặc biệt là các doanh nhân, những người có đóng góp quan trọng để hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, ra được thế giới và để người Việt Nam hưởng thụ những tiện ích, giá trị từ hàng hóa có giá rẻ hơn nước ngoài sản xuất mang lại. Xã hội chúng ta đã từng thừa nhận, chính doanh nhân là những người đi đầu, xung kích để nâng tầm văn hóa, trí tuệ và khát vọng Việt Nam vươn xa, thoát khỏi nghèo đói lạc hậu. Trước khi sự việc chưa phát lộ, Phạm Văn Tam được coi là doanh nhân thành đạt, là đại gia được mọi người trong xã hội nể phục. Cuốn sách “Phạm Văn Tam từ tay trắng đến ông chủ hãng ti vi Việt” viết về doanh nhân này, một người không học đại học mà vượt khó để lập nghiệp, thành danh trên thương trường rất được nhiều bạn trẻ trong xã hội mến mộ và coi như thần tượng.

Ông Trịnh Sướng (bìa trái), ông Huỳnh Văn Sum (thứ 6 từ trái sang) cùng đoàn cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chụp ảnh lưu niệm tại Nhật Bản. Việc này khiến dư luận nghi ngờ về những hành vi gian lận.

Ông Trịnh Sướng (bìa trái), ông Huỳnh Văn Sum (thứ 6 từ trái sang) cùng đoàn cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chụp ảnh lưu niệm tại Nhật Bản. Việc này khiến dư luận nghi ngờ về những hành vi gian lận.

Ấy nhưng, khi sự việc bị phát giác, người dân và cả xã hội cảm thấy bị lừa dối. Nhiều người cay đắng cho rằng, họ đang bị chăn dắt bởi một thế lực vô hình nào đó, nhất là trong tình trạng tỷ lệ cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, tiếp tay cho sai phạm ngày càng nhiều.

Phải chăng lực lượng ngành chức năng được đào tạo bài bản, được tổ chức quản lý chặt chẽ theo hệ thống dọc từ trên xuống dưới, có quyền lực vô địch ở lĩnh vực quản lý lại được bảo đảm không chỉ về lương, thu nhập, phương tiện làm việc tối tân hiện đại đã thua mấy cá nhân “tay không bắt giặc”? Nếu vậy thì quả là Nhà nước cần phải xem xét lại bộ máy của mình một cách nghiêm khắc hơn.

Qua sự việc này, người viết bài này không tin rằng, thói giả dối, cái thấp hèn, vụ lợi trong xã hội chúng ta đang lấn át cái cao thượng và tinh thần cống hiến! Nếu thực trạng xảy ra như thế thì nhận định của một ai đó rằng, đạo đức xã hội băng hoại, xuống cấp cũng là có lý lắm!