Bởi các nhận định thường không kèm theo giải thích cặn kẽ nên sẽ có nhiều thắc mắc, cứ xin giấy phép thì đâu lo chuyện “hình sự hóa”. Có thật là đúng thế chăng?
Trước hết, đó là điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” trong đó quy định một người có thể bị phạt đến mức cao nhất đến 5 tỉ đồng và bị phạt tù đến 5 năm nếu người đó “cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép”.
Các dịch vụ được liệt kê gồm: a) Kinh doanh vàng trên tài khoản; b) Sàn giao dịch thương mại điện tử; c) Kinh doanh đa cấp; d) Trung gian thanh toán; đ) Trò chơi điện tử trên mạng; e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền và tù cao nhất nói trên là trong trường hợp có thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc có doanh thu 5 tỉ đồng trở lên.
Trước đó cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc sửa đổi Bộ luật Hình sự vì đã bỏ tội kinh doanh trái phép, từng là nguồn cơn của nhiều vụ án lẽ ra không đáng phải hình sự hóa. Khi lập luận để “phi hình sự hóa” tội kinh doanh trái phép người ta thường nói, hành vi đó không còn tính nguy hiểm cho xã hội hoặc mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống, đã có biện pháp khác xử lý mà không cần thiết phải xử lý hình sự. Cụ thể người dân có quyền tự do kinh doanh thì chỉ cần đăng ký kinh doanh rồi được tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh miễn sao những ngành nghề đó pháp luật không cấm là được.
Nay lại phát sinh điều 292, một điều về bản chất không khác gì tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì phải hiểu như thế nào?
Nếu như ngày xưa có ai lập luận, để khỏi bị buộc tội kinh doanh trái phép thì cứ xin phép cho đàng hoàng rồi kinh doanh chứ đâu có gì phải ngại thì nay vẫn có thể có lập luận để khỏi dính vào điều 292, người khởi nghiệp cứ xin phép đầy đủ, nội dung giấy phép thế nào cứ kinh doanh thế đấy thì đâu có phải lo!
Thực tế không hề đơn giản như thế.
Ở đây chỉ lấy ví dụ về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng bởi các dịch vụ nào khác cũng bị chế tài bởi điều 292. Một bạn trẻ một hôm biên soạn được một trò chơi điện tử hấp dẫn. Bạn này đâu có công ty, đâu có doanh nghiệp nên chắc chắn không nghĩ đến chuyện xin giấy phép. Và trong thế giới công nghệ ngày nay không ai thành lập một doanh nghiệp để phát hành trò chơi theo cách suy nghĩ cũ nữa. Bạn này đưa trò chơi của mình lên Windows Store hay Google Play và Apple Store, chẳng mấy chốc cả triệu người vào tải về để chơi trên máy tính hay máy điện thoại di động của mình.
Đối chiếu với từng câu chữ trong điều 292, rất có thể bạn trẻ này dính tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Một bạn trẻ khác, cứ giả định là một thiên tài máy tính của Việt Nam, một hôm soạn được một ứng dụng cho phép người ta giao dịch với nhau qua mạng dễ dàng hơn cả Amazon hay một phương thức thanh toán mới cho phép những người chưa có thẻ tín dụng có thể mua hàng qua mạng dễ dàng. Bạn này tung ra và cả triệu người trên khắp thế giới hưởng ứng. Thành công quá bất ngờ, bạn trẻ tính chuyện thành lập công ty và đăng ký kinh doanh nhưng đã trễ, trước đó bạn đã bị kết tội vi phạm điều 292!
Chuyện khởi nghiệp hiện nay là chuyện nóng là bởi nền kinh tế đang chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi do công nghệ đem lại. Nền kinh tế truyền thống đang được thay thế dần bởi nền kinh tế kỹ thuật số. Không lẽ chúng ta bỏ một điều từng gây khó cho nền kinh tế truyền thống để đặt ra một điều gây khó khác cho nền kinh tế kỹ thuật số?
Giấy phép sẽ đẻ ra xin - cho
Đi sâu mổ xẻ điều 292 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, thừa nhận: “Điều 292 có thể xem là “hình thái mới” của tội “kinh doanh trái phép” nhưng với phạm vi hẹp hơn (kinh doanh dịch vụ trên mạng máy tính và viễn thông); đồng thời hình phạt cũng nặng hơn tội kinh doanh trái phép (hình phạt tù tối đa là 5 năm so với 2 năm của tội kinh doanh trái phép)”.
Rõ ràng điều luật này sẽ tác động không nhỏ đến các nhân, tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực này, đặc biệt là các startup (công ty khởi nghiệp) trong lĩnh vực công nghệ bởi lẽ “một startup là một công ty làm việc để giải quyết một vấn đề mà giải pháp chưa rõ ràng và thành công không đảm bảo”. Ông Vũ nói: “Làm startup đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo, thử nghiệm nhiều lần đối với các sản phẩm, dịch vụ của mình. Nên nếu điều kiện pháp lý quá ngặt nghèo sẽ cản trở sự sáng tạo”.
Luật sư Vũ nói thêm: “Đồng ý rằng việc kinh doanh đòi hỏi phải tuân thủ pháp luật (những lĩnh vực kinh doanh được liệt kê tại khoản 1 Điều 292 là những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên bất kỳ cá nhân, tổ chức nào kinh doanh dịch vụ đó đều phải đáp ứng điều kiện luật định, phải xin giấy phép theo quy định) nhưng quy định tại Điều 292 làm cho giấy phép trở thành một thứ cực kỳ ghê gớm”.
“Với điều 292 thì giấy phép là yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không còn là vi phạm hành chính như trước đây. Và khi giấy phép đã trở nên cực kỳ quan trọng thì thứ quan trọng có lẽ sẽ không dễ dàng có được và cơ chế xin - cho giấy phép với những thủ tục hành chính phức tạp có nguy cơ trở nên phức tạp hơn và từ đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh”
Theo TBKTSG