PV: Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhiều ngành kinh doanh tê liệt, cơ quan chức năng cho biết có tới 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM đã ngừng hoạt động. Đặc biệt bị ảnh hưởng là những doanh nghiệp, đơn vị vận hành khi phải đi thuê mặt bằng. Xin luật sư cho biết, đại dịch vẫn đang hoành hành trên toàn cầu liệu có thể coi là trường hợp bất khả kháng được không?
TS. Phạm Hoài Huấn: COVID-19 là một sự kiện hy hữu đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người và làm đình trệ hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Nhưng để nói nó có phải là “sự kiện bất khả kháng” hay không thì còn phải đặt nó trong bối cảnh.
Tại Việt Nam, luật quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Các doanh nghiệp, nếu vì phải thực hiện việc đóng cửa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì COVID-19 được coi là bất khả kháng. Nhưng nếu trong trường hợp hoạt động kinh doanh của họ vẫn tiến hành được, mà bị giảm doanh thu vì người dân ngại ra ngoài, vì bị giới hạn thời gian hoạt động theo hướng ngắn đi, thì đó không thể xem là bất khả kháng.
PV: Một số người cho thuê mặt bằng cũng đã giảm giá chừng 10-20% cho người thuê, nhưng tình hình hiện tại vẫn lỗ rất lớn, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn không thể hoạt động trở lại được, nên sẽ kéo theo sự sụt giảm chung của nền kinh tế. Việc nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa thời gian qua là để tuân thủ chỉ đạo chống dịch của chính quyền. Nhưng trước tình hình khó khăn để phục hồi nền kinh tế, theo luật sư, chính quyền có nên quy định cụ thể số hỗ trợ là bao nhiêu phần trăm của hợp đồng đã được kết giao giữa các bên vào thời điểm kinh tế bình thường thì phù hợp?
Nhà hàng Gạo đóng cửa trong quãng thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch (Ảnh: Hòa Bình)
|
TS. Phạm Hoài Huấn: Trong hoàn cảnh như thế này, các hỗ trợ của Nhà nước là cực kì cần thiết để các doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường trở lại, hoặc tệ hơn là để tránh những đỗ vỡ hàng loạt.
Các hỗ trợ của Nhà nước, về cơ bản tập trung vào hai nhóm biện pháp sau:
Một là miễn, giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp. Hai là cung cấp các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Cả hai biện pháp này, Nhà nước đang triển khai.
Đối với giá thuê mặt bằng, tôi cho rằng Nhà nước không thể can thiệp được, vì các lẽ sau:
Đây là một quan hệ tư thuần túy, bên cho thuê không có lỗi trong việc bên kinh doanh không có doanh thu. Đặc biệt trong trường hợp bên cho thuê, nếu họ là các doanh nghiệp kinh doanh các bất động sản cho thuê [chủ các cao ốc văn phòng], họ cũng phải trả lãi vay, tiêu tốn chi phí vận hành...
Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp có thể sử dụng các khoản trợ cấp của Nhà nước cung cấp để chi trả một phần cho các chi phí hoạt động của mình, trong đó có chi phí mặt bằng.
Nhưng khi nói quan hệ cho thuê bất động sản là một quan hệ mang tính “tư”, điều đó cũng làm phát sinh một khả năng thú vị: KHẢ NĂNG THỎA THUẬN.
“Thế giới di động” nên được coi là một case hay trong trường hợp này. Họ đã đưa ra một chính sách khá rắn khi tuyên bố nếu các chủ nhà không giảm 50% giá (đối với cửa hàng hoạt động) và miễn phí (đối với cửa hàng phải đóng cửa), họ sẽ đi thuê chỗ khác.
Nói như thế, không có nghĩa các doanh nghiệp khác cũng có sức mạnh đủ để đưa ra lời đề nghị như vậy, nhưng nó cũng là một cách để các doanh nghiệp cân nhắc. Việc các doanh nghiệp trong cùng một tòa nhà cùng kiến nghị giảm giá cũng là một giải pháp không tồi.
PV: Với các ngành kinh tế chỉ phụ thuộc vào chính sách nội địa như các cửa hàng đi thuê mặt tiền để kinh doanh, nhiều nước khác trên thế giới cũng có cơ chế Nhà nước bỏ một phần quỹ hỗ trợ chống đại dịch để ủng hộ công dân, nâng đỡ nền kinh tế qua bước khó khăn. Còn với Việt Nam, nếu chưa có quỹ nào để chi trả phần này, vẫn có thể có những chính sách đúng đắn và kịp thời từ chính quyền để các bên tương quan trong mối quan hệ kinh tế được kết giao bởi hợp đồng sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch hàng trăm năm mới thấy một lần như thế này, đúng không thưa luật sư?
Nhà hàng Indochine đóng cửa trong quãng thời gian cách ly toàn xã hội để phòng dịch nay đã mở lại nhưng vắng khách (Ảnh: Hòa Bình)
|
TS. Phạm Hoài Huấn: Hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta nên nhìn nhận một cách thẳn thắn hơn đó là Ngân sách của Việt Nam là không nhiều. Trong tương quan với các quốc gia lớn, Việt Nam giống như một gia đình nghèo. Bố mẹ thương con thiếu thốn, nhưng tiền đi chợ không đủ thì con cái có thèm khát món quà quê thì cũng chịu.
Cho nên, nếu có điều cần bình luận đó là nói về điểm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn cho người dân.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu tuyệt vời trong công cuộc chống dịch bằng các biện pháp rất quyết liệt. Nhưng những biện pháp quyết liệt ấy, đã làm cho hàng loạt các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cùng với khó khăn chung của các thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ, các doanh nghiệp của Việt Nam càng khó khăn hơn khi không có các đơn hàng. Tổng hợp những điều này, đã đẩy sức chịu đựng của doanh nghiệp đến gần với giới hạn.
Cho nên tiếp tục giữ các biện pháp cứng rắn hay không, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân như thế nào, tiền ở đâu để hỗ trợ... sẽ là những vấn đề nhức nhối mà Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối diện trong thời gian tới.