Khu vực xây tháp truyền hình Việt Nam sau này sẽ là đầu tàu kinh tế ?!

Ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng giám đốc VTV, Trưởng ban chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình VN nói tháp truyền hình chủ yếu mang giá trị kinh tế.
Tháp truyền hình của Nga
Tháp truyền hình của Nga

Trước sự quan tâm của bạn đọc về tháp truyền hình VN cao nhất thế giới, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Lương - phó tổng giám đốc VTV, trưởng ban chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình VN...

* Việc xây dựng tháp truyền hình VN đã đi đến đâu rồi, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thành Lương: Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng tháp truyền hình VN.

* Tiền để xây tháp truyền hình được lấy từ đâu?

- Giờ VTV sẽ phải tìm vốn, tìm nguồn đầu tư. Tiền để xây tháp truyền hình VN sẽ được lấy từ tiền xã hội hóa, Nhà nước không bỏ tiền ra để làm công trình này.

* Tháp truyền hình VN có vai trò trong việc thu phát sóng truyền hình hay chỉ có giá trị biểu tượng?

- Khu vực xây tháp truyền hình VN sau này sẽ là đầu tàu kinh tế của Hà Nội và VN. Trên thế giới cũng vậy, khu vực nào có tháp truyền hình thì khu đó sẽ thành đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại rất lớn của địa phương đó.

Sau khi tháp truyền hình VN được xây dựng, nơi đây sẽ là điểm đến của khách du lịch, đưa kinh tế phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, tháp truyền hình cũng có vai trò trong việc thu phát sóng và có cả ý nghĩa với an ninh quốc phòng nữa.

* Những đơn vị bỏ tiền xây tháp với VTV sau này cũng sẽ là những đơn vị sẽ khai thác thương mại trên tòa tháp này?

- Chính phủ đã đồng ý cho VTV thành lập một công ty cổ phần để đầu tư dự án. Các đơn vị tham gia góp vốn sau này cũng sẽ đóng vai trò trong việc quản lý, sử dụng, khai thác quyền lợi trên tháp truyền hình VN.

* Từ khi có chủ trương đến khi xây tháp sẽ phải mất bao nhiêu thời gian?

- Trung bình từ sau khi có sự đồng ý của Chính phủ đến khi xây được tháp phải mất năm năm. Riêng khâu thiết kế cũng phải mất 2-3 năm. Khi có thiết kế của tháp truyền hình VN sẽ được mang ra lấy ý kiến tham khảo của những chuyên gia và người dân.

Đơn vị được lựa chọn thiết kế chắc cũng phải đến từ nước ngoài bởi ở VN chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cho những công trình như thế này.

* Chủ trương xây tháp truyền hình VN cao 636m - cao nhất thế giới - là của VTV?

- Ý tưởng của VTV là xây tháp truyền hình cao 636m, tuy nhiên ý tưởng đó có thực hiện được không còn phụ thuộc nhiều vấn đề, ví dụ như nền đất ở nơi xây tháp có đáp ứng được xây tháp cao như vậy không.

Tháp truyền hình giống như biểu tượng để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Khi chúng ta đi làm marketing cho một đất nước thì mình phải có một cái gì đó để mang ra giới thiệu chứ. Ý tưởng của chúng tôi khi xây dựng tháp là xây tháp truyền hình làm biểu tượng của VN, đồng thời thu hút khách du lịch.

Tháp truyền hình có cao hơn tháp của người ta một chút cũng dễ cho chúng ta khi làm marketing cho đất nước.

Ví dụ vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng chính là những cái mình đưa ra để giới thiệu với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập chứ không thể cứ mang mãi chiến tranh ra để quảng bá hình ảnh đất nước được.

* Ông nghĩ gì về việc dư luận còn băn khoăn khi đất nước còn nghèo mà xây tháp truyền hình VN cao nhất thế giới, hơn cả tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản - một quốc gia trong nhóm giàu có nhất thế giới?

- Mọi so sánh đều khập khiễng. Tôi cho rằng chúng ta phải nhìn nhận với con mắt tích cực về việc xây tháp truyền hình VN.

Ý tưởng về việc xây tháp truyền hình VN đã được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cho xây từ năm 1995 nhưng vì không có nguồn tiền nên không xây được, chứ không phải bây giờ mới có. Cũng may là thời đó chưa xây được tháp, chứ nếu xây lúc đó thì chỉ xây được tháp cao chừng 350m thôi.

* Phải chăng những đài truyền hình quốc gia khác trên thế giới cũng đều phải có tháp truyền hình?

- Không phải đài quốc gia nào cũng xây tháp truyền hình, tùy điều kiện của mỗi đài. Tuy nhiên tháp truyền hình VN có được xây dựng thì cũng hướng tới phục vụ mục đích kinh tế là chính, hơn là phục vụ mục đích thu phát sóng cho truyền hình vì truyền hình ngày nay phủ sóng vệ tinh hết rồi.

Ý nghĩa của tháp truyền hình VN sẽ là giá trị biểu tượng, phát triển kinh tế đất nước, thu hút du lịch, thu phát sóng truyền hình là phụ dù khi xây xong nó vẫn sẽ được lắp đặt hệ thống giàn ăngten trên đỉnh tháp.

Theo Tuổi trẻ