Không “nhất thể hóa quyền lực” được vì không ai muốn mất ghế

VietTimes -- Tách bộ máy ra thì có thêm “ghế”, ai cũng vui, vì có vị trí, có chức vụ và kèm theo đó là quyền lợi. Tuy nhiên khi nhập thì lại thì nhiều người mất “ghế”, mất chức vụ và kèm theo là mất đi quyền lợi nên không ai muốn làm.

Không “nhất thể hóa quyền lực” được vì không ai muốn mất ghế

Hơn 1 năm trước tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng (cuối tháng 1/2015), ông Trần Thọ (hiện là Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng) khi ấy đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị Trung ương cho thí điểm sáp nhập một số cơ quan đảng với cơ quan nhà nước có chức năng gần giống nhau như: Ban Tổ chức Thành ủy với Sở Nội vụ, Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy với Thanh tra thành phố. Vậy, hiện Đà Nẵng đã làm được gì?

VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng về chủ trương này.

Không ai muốn mất ghế

Theo ông, căn cứ vào đâu mà Lãnh đạo Đà Nẵng xin chủ trương nhất thể hoá một số cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước có chức năng gần giống nhau như: Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ban Kiểm tra với Thanh tra…?

-Theo tôi, chủ trương này xuất phát từ yêu cầu thực tế và phương thức lãnh đạo của Đảng ở Đà Nẵng. Trong điều kiện chính quyền về tay nhân dân, bộ máy quản lý cồng kềnh và ở một số cơ quan, bộ phận có sự trùng lặp về mặt chức năng nên nhu cầu này nảy sinh.

Bên cạnh đó, giữa một bên là hệ thống Đảng, một bên là chính quyền, cùng chủ trương nhằm tinh giản bộ máy, giúp gọn nhẹ hơn đã đặt ra vấn đề cần phải giải quyết. Trong thực tiễn đó, Lào là một điển hình, họ thực hiện khá đồng bộ về hợp nhất giữa cơ quan và chức danh từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, địa phương; các ngành, các cấp và triển khai nhiều năm nay.

Có phải Đà Nẵng có đề xuất này là do Quảng Ninh đang thực hiện mô hình này thành công?

- Theo tôi đây mới là mô hình thí điểm. Quảng Ninh là địa phương thực hiện thí điểm điển hình. Cũng tương tự ở một số nơi, đặc biệt là cấp cơ sở cũng đã thực hiện chủ trương này, khi Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cùng cấp, song nhiều nơi vẫn còn chần chừ chưa chịu thực hiện.

Ông có thể lý giải thêm vì sao Đà Nẵng lại chần chừ không, thưa ông?

- Tôi có thể nói đây là một chủ trương đúng hướng, nhưng để thực hiện và triển khai rất khó do chúng ta thiếu sự đồng bộ.

Đơn cử, có địa phương đã có Bí thư xã đồng thời cũng là Chủ tịch UBND xã. Và dưới chủ trương nhất thể hóa này, cán bộ nhất thể lại chịu chỉ đạo của 2 tuyến cấp trên khi bên trên chưa nhất thể. Bí thư huyện và Chủ tịch huyện vẫn là 2 tuyến khác nhau.

Đó là cùng một địa phương, nhưng khác địa phương, sự tương tác cũng vậy và ở cấp trên cao hơn cũng vậy, vẫn độc lập sẽ gây áp lực cho đơn vị nhất thể bên dưới. Sẽ chồng chéo và khó khăn trong vận hành khi một người chịu sự chỉ đạo của 2 tuyến định hướng.

Một vấn đề nữa là tâm lý khi thực hiện. Về tổ chức tách ra thì mọi người rất thích vì có thêm “ghế”. Ai cũng vui, cũng muốn mình có vị trí, có chức vụ và kèm theo đó là quyền lợi. Tuy nhiên khi nhập thì lại thì các vị trí ấy sẽ mất đi, chức vụ và quyền lợi cũng không được như xưa nên không ai muốn.

Đó là tâm lý không mặn mà, còn khó khăn sẽ rất nhiều. Trước hết là về mặt kỹ thuật điều hành. Khi nhập 2 tuyến thành 1 đòi hỏi người đứng đầu phải có năng lực bao quát cả 2 lĩnh vực Đảng và điều hành chính quyền. Cái này rất khó và tìm được người như thế này thật sự không đơn giản.

Ngoài ra, việc hợp nhất này sẽ dẫn đến thiếu sự quan sát, không sâu sát về nhận định, đánh giá cán bộ về xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn. Một tiền đề quan trọng trong công tác tổ chức, cân nhắc cán bộ ở các vị trí lãnh đạo cấp cao hơn. Hay nói đúng hơn là khó phát hiện ra nhân tố vượt trội, khó có sự đột phá trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó giải quyết công ăn việc làm hoặc bố trí công tác khác cho số lượng người dôi dư sau khi hợp nhất sẽ là áp lực rất lớn đối với các cơ quan thực hiện. Đây là bài toán không hề đơn giản.

Nhưng phải có lợi thì Đà Nẵng mới đề xuất chứ thưa ông?

- Có lợi chứ! Lợi là lợi về mặt tổng thể, mang tính dài hạn. Chúng ta sẽ tinh giản được biên chế, giảm bớt chồng chéo giữa các bộ phận. Giảm được đầu tư công, cơ sở vật chất phục vụ vận hành bộ máy, trách nhiệm của người thủ lĩnh, tư lệnh ngành cao hơn.

Đã quyết thì làm luôn, không nên thí điểm

Liệu hợp nhất có tạo nên “quyền lực tối thượng” cho người đứng đầu. Khi ấy dễ nãy sinh những vấn đề bất cập tiếp theo?

- Thật ra đối với một ngành thì việc hợp nhất là xu hướng tiến tới tư lệnh ngành,...chịu trách nhiệm cá nhân trong điều hành ngành của mình. Điều này rất tốt.

Nhưng đối với khối chính quyền, thì chức danh Bí thư và Chủ tịch là hai khái niệm, thẩm quyền hoàn toàn không giống nhau. Vừa là thủ trưởng, vừa là cá nhân sẽ dễ dẫn đến ra các quyết định chồng lấn, sai lệch về mặt thẩm quyền.

Cơ chế quyết định và quyền quyết định thuộc rất nhiều về quy định, cơ chế quyền lực theo chế độ tập thể hay chế độ thủ trưởng; Đảng hay chính quyền. Bí thư không thể ra quyết định mà phải thông qua Ban thường vụ, và khi đó, Bí thư chỉ đại diện Ban thường vụ để ra Nghị quyết, quyết định về một vấn đề nào đó. Vấn đề này hoàn toàn khác với bên chính quyền, tức thủ trưởng đơn vị có thể ra quyết định.

Và điều cần nhất là cần có quy chế rõ ràng trong thẩm quyền ra quyết định và kiểm soát các hoạt động bằng quy chế trách nhiệm rõ ràng.

Giai đoạn chúng ta đã thí điểm bỏ HĐND 3 cấp và đến nay chúng ta quay trở lại với mô hình ban đầu. Hệ lụy của việc thí điểm ra sao, liệu có dự lượng hết những vấn đề phát sinh khi thí điểm?

- Đúng! Phải nói thẳng là đã là thí điểm thì kết cục sẽ không ra sao. Bài học từ thí điểm bỏ HĐND 3 cấp vừa rồi là một điển hình. Chúng ta đã không đi đến đâu và bây giờ phải bắt đầu lại từ đầu.

Nên nếu đã nghiên cứu và làm thì phải làm đồng bộ, đồng nhất từ cấp Trung ương đến địa phương; từ bộ, ngành đến sở; từ tất cả các tổ chức thì mới thực hiện được. Chứ đừng để sau khi thí điểm, chúng ta lại quay về từ đầu sẽ mất nhiều cơ hội từ điều hành đến chi phí và thậm chí cả con người.

Với kinh nghiệm trong công tác của ông, nếu là Đà Nẵng làm thì sẽ bắt đầu như thế nào và dựa vào đâu để thực hiện nhất thể hóa thành công?

- Theo quan điểm của tôi, không phải chỉ Đà Nẵng mà tất cả các địa phương trên cả nước, nếu muốn chủ trương nhất thể hóa thành công, không có cách nào khác là phải thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, từ mọi cấp, mọi địa phương,...nếu không thì không thể thực hiện được với những nội dung tôi đã trao đổi ở trên.

Vì nếu không đồng bộ, việc nhất thể hóa ở một vài đơn vị sẽ là gánh nặng cho chính bộ máy ấy. Nếu chỉ làm thí điểm thì bài học bỏ HĐND 3 cấp là một ví dụ điển hình.

Xin cảm ơn ông!

Chủ trương nhất thể hoá các chức danh là một chủ trương được Trung ương Đảng bàn và đề cập ngay từ khoá X. Hội nghị T.Ư 6 (khoá X), BCH T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên: “... Thực hiện tiêu chuẩn hoá, thể chế hoá và từng bước nhất thể hoá chức danh cán bộ; tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở...”.

Tiếp đó, Hội nghị T.Ư 9 (khoá X) ban hành Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020. “ ... Nghiên cứu xây dựng và thực hiện thí điểm đề án nhất thể hoá một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh; đề án thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ và bí thư, phó bí thư; đề án đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng; thực hiện chế độ thực tập và tập sự lãnh đạo”.