Như VietTimes đã đưa tin, "bão" châu chấu tre được "dự đoán" di thực từ Lào sang Việt Nam từ giữa tháng tư đã tàn phá nông nghiệp nhiều địa phương của tỉnh Sơn La.
Đến hiện tại, theo số liệu từ Sở NNPTNT, riêng hai xã của huyện Sốp Cộp đã bị châu chấu tàn phá 40 ha lúa non. Ngoài ra, các địa phương khác cũng đều "chịu khổ" vì châu chấu, ước tính đã có đến 9.000 ha bị ảnh hưởng vì châu chấu.
Đây là đàn châu chấu lớn nhất trong 40 năm qua tại địa phương này.
Từ giữa tháng 7, tỉnh Sơn La đã có chỉ đạo phun thuốc diệt sâu bọ để giải quyết vấn đề châu chấu phá mùa màng. Nhưng theo phản hồi của Sở NNPTNT, thuốc diệt sâu bọ không có nhiều tác dụng đối với loại châu chấu này.
Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Sơn La dự kiến chi từ 2,2 - 2,9 tỷ để dập nạn châu chấu lần này, nhưng không nêu rõ các khoản chi tiết.
Theo đại diện của Sở NNPTNT Sơn La, muốn diệt loại châu chấu này cần phải phun thuốc vào thức ăn của chúng, phun trực tiếp không thể tiêu diệt được. Tuy nhiên, tỉnh Sơn La chưa thông báo sử dụng loại thuốc nào.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La đã đề ra kế hoạch đợi thời điểm châu chấu đẻ trứng trong mùa đông để tìm, diệt trứng bằng biện pháp cơ học và đốt trứng để diệt cả đàn.
Việc tìm diệt tận gốc sẽ được thực hiện bằng biện pháp cơ học và đốt cả đàn nên có thể tốn khá nhiều chi phí.
Tuy nhiên đại diện tỉnh cho biết, đây là con số dự kiến và chắc chắn không dùng hết số tiền này.
Được biết, hiện tượng châu chấu này đã xuất hiện từ năm 2015, tuy nhiên không quá nghiêm trọng. Nhưng mùa đông vừa qua, châu chấu đã đẻ trứng trong đất, đến tháng 3 - 4, mùa xuân ấm áp,số trứng này nở ra lứa châu châu mới và phá lá của nhiều loài cây. Nhưng như trên đã nói, cũng có ý kiến là nạn châu chấu năm nay đã bị di thực từ Lào sang.