Đề án tăng cường 600 phó chủ tịch xã về 64 huyện nghèo trong cả nước do Bộ Nội vụ chủ trì còn 1 năm nữa sẽ kết thúc. Nhưng có nhiều lo lắng các cán bộ này là "người của đề án", phải "trả về" cho cơ quan cấp trên bố trí, sắp xếp.
Vụ trưởng Vũ Đăng Minh cho hay, 449/575 (chiếm 78%) người đã được quy hoạch cho công việc tiếp theo. Trong đó, 152 người trúng cử vào ban chấp hành xã, một số khác được rút lên làm công chức của huyện với chức danh phó phòng, 12 người làm chủ tịch xã.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh Niên, Bộ Nội vụ.Ảnh: T.Hằng |
Phần lớn đều nằm trong diện quy hoạch cán bộ nhưng liệu họ có bị quy hoạch treo, thưa ông?
317 người được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt của xã hoặc cao hơn như làm trưởng, phó phòng chuyên môn hoặc tương đương ở cấp huyện trong nhiệm kì 2016 - 2021. Ngoài ra, 132 người tiếp tục làm phó chủ tịch xã trong nhiệm kì tới.
Hiện chỉ còn 126 phó chủ tịch xã (chiếm 21,91%) chưa vào quy hoạch. Không phải các em không làm việc tốt nhưng vì chưa kết nạp Đảng hoặc chưa phải đảng viên chính thức nên chưa đưa các em vào diện quy hoạch hoặc diện bầu cử. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, không thể 100% các em vào hết được.
Nhưng rất mừng là một số địa phương như Cao Bằng, Nghệ An đã đưa ra hướng xử lý, đó là sau khi các em được kết nạp Đảng sẽ bổ sung ngay vào quy hoạch để bầu bổ sung vào ban chấp hành xã hoặc một số chức danh khác trong khóa tới.
Phải chờ chỗ trống để bố trí
Ngoài việc nhận thức chưa đầy đủ của địa phương, có cơ chế nào vướng mắc nào khiến số cán bộ trẻ chưa được quy hoạch, sắp xếp tiếp?
Một số địa phương còn lúng túng do không có chỗ trống để bố trí các em vào công tác tại địa phương.
Theo nghị định 92, định biên của xã được đóng khung biên chế. Một số xã đã sắp xếp đủ nhân sự đủ vào các vị trí này, còn các phòng ban chuyên môn của huyện cũng đủ công chức sắp xếp theo vị trí việc làm.
Tăng cường các bộ trẻ này lên huyện hay giữ lại xã tiếp sau đây phải chờ có chỗ trống để bố trí.
Tôi rất thông cảm với các địa phương khi các phó chủ tịch xã thuộc biên chế nhà nước nhưng không nằm trong định biên của xã không biết phải xử lý như thế nào. Tuy nhiên, đây là nguồn biên chế dự phòng phân bổ cho các huyện nghèo để trong 5 năm, tỉnh, huyện có phương án tính toán bố trí các em vào các cơ quan của tỉnh, huyện phù hợp với trình độ, năng lực của các em.
Những khó khăn vướng mắc của địa phương sẽ được Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo Thủ tướng để có hướng giải quyết. Về nguyên tắc, các em hoàn thành nhiệm vụ đều được xem xét, bố trí công việc phù hợp, không để kết thúc đề án, nhận chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ rồi ra về.
Và chắc chắn không có chuyện ưu tiên người địa phương hơn người ngoài tỉnh, tránh tình trạng so bì.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trí thức trẻ trong dự án 600 Phó chủ tịch xã |
Liệu có "tắt lối ra" với những trường hợp còn lại đang chờ chỗ để quy hoạch?
Hầu hết các em đã làm tròn vai phó chủ tịch xã. Bằng sức trẻ, rất nhiều em đã có đề án, mô hình, cách làm hay đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Như ở Bắc Ái, Ninh Thuận có xã 12 tháng chưa có mưa, đất không trồng được cây gì. Nhưng riêng có một xã phát triển được đậu tương nhờ sáng kiến của em Nguyễn Thị Thanh Huyền - kỹ sư nông nghiệp. Bạn đã đưa ra ý tưởng thí điểm trồng cây đậu tương trên đất khô hạn thành công. Sau đó huyện cho phép nhân rộng mô hình này ra toàn huyện giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con.
Như vậy quan trọng là đưa các em về làm gì cho bà con. Việc bố trí các em vào vị trí nào thì “gái có công chồng chẳng phụ”.
Tôi khẳng định không có chuyện đề án tắt lối ra. Còn hơn 1 năm nữa mới kết thúc đề án. Phải đánh giá việc 600 trí thức trẻ này về đóng góp gì cho địa phương. Thành công ở chỗ không chỉ đưa các em về bố trí vào đâu, có vào cấp ủy, chính quyền hết mới là thành công.
Mục tiêu của đề án là tăng cường trí thức trẻ về giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện nghèo của 20 tỉnh phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Sau đấy mới đến mục tiêu tạo nguồn cán bộ trẻ để bổ sung chức danh cán bộ quản lý trong cơ quan đảng, nhà nước.
Theo VNN