Theo báo cáo mới đây của SSI Research, tính trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ròng 104 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HOSE, tương ứng với tháng thứ 4 liên tiếp bán ròng.
Tính thêm kênh thỏa thuận, khối ngoại đã bán ròng 1,06 nghìn tỷ đồng trên HOSE. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, tăng giá nhiều trong tháng 9 và 10 đã quay đầu giảm giá mạnh trong tháng 11, kéo theo sự giảm điểm của VNindex. Có thể kể đến những cái tên như: VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; VCB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Vietcombank; CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam...
SSI cho biết, trong khi thời gian trước đây, các đợt tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam đều được hỗ trợ bởi dòng vốn từ các quỹ ETF; Thì thời gian gần đây, kể cả khi các quỹ ETF ghi nhận mức tăng trưởng về vốn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trên thị trường và Vnindex cũng không có nhiều khởi sắc.
Khối ngoại bán ròng trên HOSE (Nguồn: SSI Research)
|
Làn sóng rút vốn tại thị trường cổ phiếu trên toàn cầu
Việc nhà đầu tư ngoại e dè với việc đầu tư cổ phiếu của Việt Nam trong thời gian qua cũng có thể đến từ diễn biến chung của nền kinh tế toàn cầu. Số liệu của SSI Research trong một báo cáo cho thấy, 11 tháng kể từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu. Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu có dòng tiền trở lại khoảng 372 tỷ USD.
Ngoài trái phiếu, nhà đầu tư toàn cầu cũng tập trung sự chú ý vào các kênh an toàn hơn là vàng và các đồng tiền phòng vệ.
Thời gian gần đây, thị trường cũng bắt đầu ghi nhận sự trở lại của dòng tiền với cổ phiếu. Nguyên nhân chính được cho ra là bởi làn sóng cắt giảm lãi suất toàn cầu. Bên cạnh đó là một số những tín hiệu khả quan từ diễn biến của chuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía SSI vẫn nhận định, tín hiệu đảo chiều dòng vốn là điều rất dễ xảy ra. Mỹ và Trung Quốc đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại mới, tuy nhiên mối quan hệ giữa hai nước liên tục phát ra những tín hiệu khó lường, dễ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Khối ngoại e dè vì phí giao dịch cao và khó mua số lượng cổ phần lớn
Số liệu từ Bloomberg cho thấy, từ tháng 1/2019 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót 230 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, con số này thấp hơn đáng kể so với 2 năm trước. Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng đang ở mức thấp so với nhiều quốc gia Đông Nam Á, ngay cả với những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn.
Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán của Việt Nam tại các công ty lớn trong 6 tháng qua thấp hơn hẳn so với các thị trường khác (Nguồn: Bloomberg)
|
Bloomberg cho rằng NĐTNN dù đánh giá cao cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng vẫn e dè là bởi những rào cản liên quan đến mức trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại. "Nới room" cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Nhà quản lý cấp cao về chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management ở Hồng Kông, ông Felix Lam cho biết ông không mua cổ phiếu Việt Nam vì khối lượng quá thấp. “Mọi việc trở nên dễ dàng hơn nếu nhà nước dẫn dần giảm sở hữu”, ông Felix Lam nhận định.
Chi phí thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được đánh giá đang ở mức cao. Điều này đi kèm với việc không thể mua được lượng cổ phần lớn như mong muốn đã khiến cho nhiều NĐTNN e dè với thị trường chứng khoán trong nước.
Bloomberg cũng chỉ ra rằng sự kỳ vọng của nhà đầu tư ngoại về quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp của Việt Nam đang giảm dần. Mặc dù Chính phủ đã có một số tuyên bố liên quan đến việc đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa, tuy nhiên tốc độ chưa đạt được như kỳ vọng.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, tiền thu về từ việc bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 147 triệu USD, chỉ tương đương với 32% giá trị năm ngoái. Bộ Tài chính Việt Nam cho biết nguyên do là bởi sự thiếu vắng các đợt thoái vốn tại các công ty lớn.
Bloomberg cho rằng mục tiêu thoái vốn Nhà nước 60 nghìn tỷ đồng của Việt Nam trong giai đoạn 2017 và 2020 có thể sẽ không thực hiện được./.