Đây là Sự kiện khởi động cho chương trình Góp một cây để có rừng năm 2023 và để hưởng ứng nhân ngày Quốc tế về Rừng.
Địa điểm được lựa chọn là 5 hecta đất trọc tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, đầu nguồn sông Thạch Hãn, là nơi chịu nhiều tác động của thiên tai đặc biệt là các vụ sạt lở nghiêm trọng. Mục tiêu trong năm 2023, VARS sẽ trồng 200 hecta rừng tại Quảng Trị và 100 hecta tại Quảng Bình.
“VARS tiếp tục triển khai dự án tại hai khu vực Quảng Bình & Quảng Trị với 300 ha trong năm 2023. Trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2027, VARS sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành 1000 hecta cây bản địa góp phần phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế tác động biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi dãy Trường Sơn” - Tiến sĩ Ngô Văn Hồng, Phó giám đốc VARS cho biết.
Năm 2022, VARS đã mở rộng địa bàn dự án tại Quảng Trị với Dự án Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn và đã hoàn thành 113,8 ha tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, và tiếp tục trồng hoàn thành 4,1 ha tại Đakrông trước 30/3/2023. Cũng trong 2022, VARS tiếp tục trồng 105,84 ha tại hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa (Quảng Bình) nâng tổng diện tích trồng rừng đầu nguồn sông Gianh lên 186,3 ha. Tháng 8/2022, VARS còn trồng một “Khu rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” rộng 9,7 hecta tại bản Hua Tát, Sơn La.
Như vậy, trong năm trồng rừng 2021 và năm 2022, VARS trồng được 313,9 hecta tại 3 tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Quảng Bình tương đương với 388.784 cây giống bản địa như lim, dổi, huỷnh, vàng tim, re, lát, xoan.
Trong khuôn khổ sự kiện, VARS ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hướng Hóa với mục tiêu trồng ít nhất 100 hecta rừng cây bản địa trong năm 2023.
Bằng thông điệp gửi tới cộng đồng “Góp một cây để có rừng”, tính tới ngày 21/3/2023, VARS đã nhận được 2.728 lượt đóng góp từ 2.708 lượt đóng góp cá nhân và 20 lượt đóng góp tổ chức qua hai tài khoản ACB và Techcombank với tổng số tiền hơn 11,2 tỉ đồng.