Dường như cuộc chiến dai dẳng trên thị trường dầu thế giới trong suốt hơn 1 năm qua cuối cùng cũng đã xuất hiện dấu hiệu sắp chấm dứt, khi một loạt các quốc gia thuộc tổ chức xuất khẩu dầu lửa quốc tế (OPEC) cùng hai nước ngoài OPEC là Nga và Oman đang tỏ ý sẵn sàng tổ chức một cuộc họp để bàn cách vực dậy giá dầu.
Có vẻ như sức chịu đựng của một loạt các nền kinh tế thuộc các quốc gia xuất khẩu dầu lửa đã đến sát mức giới hạn, mà Venezuela và Nga đang là hai trường hợp điển hình.
Trong khi Venezuela đang có tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ cao nhất thế giới, lên tới 720%, thì Nga cũng đang là nước có đồng nội tệ đứng thứ hai thế giới về tốc độ sụt giá. Không chỉ có đồng rúp mà cả nền kinh tế Nga cũng đang đối mặt với một vực thẳm do tác động từ giá dầu sụt giảm.
Cuộc họp mà 6 nước OPEC bao gồm Iraq, Iran, Venezuela, Algeria, Nigeria và Ecuador, cùng 2 nước ngoài OPEC là Nga và Oman không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Nó được khơi mào sau lời tuyên bố của các quan chức thuộc tập đoàn Transneft của Nga cách đây hai tuần rằng Nga đang có kế hoạch cắt giảm 6,4% sản lượng tại các mỏ dầu của nước này trong năm 2016.
Đây được đánh giá là một động thái đề xuất một sự hợp tác của Nga với các nước OPEC, vốn cũng đang khổ sở về tình trạng giá dầu sụt giảm. Một sự hợp tác về giảm sản lượng giữa Nga và các nước OPEC hoàn toàn có thể khiến giá dầu tăng trở lại, khi mà giá dầu đã tăng vọt lên mức hơn 34 USD/thùng chỉ ngay sau khi có tin Nga có ý định cắt giảm sản lượng trong năm 2016.
Dù quốc gia đứng đầu OPEC là Ả Rập Saudi vẫn chưa hề có động thái nào trước thông tin về cuộc họp trên, nhưng rõ ràng việc lên kế hoạch cho cuộc họp bàn về giá dầu này đang tạo ra một sức ép lớn lên Ả Rập Saudi.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Eulogio Del Pino, cho biết: “Đây không đơn thuần là một cuộc họp thông thường mà là một cuộc họp để các nước tham dự đạt được các thỏa thuận (về sản lượng dầu). Giá dầu đã dưới mức cân bằng và điều này đang khuyến khích những kẻ đầu cơ cũng như gây bất ổn cho thị trường”.
Tuyên bố này của ông Del Pino cũng đồng nghĩa với việc gửi một thông điệp đến Ả Rập Saudi: chúng tôi đã chịu hết nổi rồi. Đúng là nền kinh tế Venezuela đang ở sát bờ vực sụp đổ khi tình trạng thiếu an ninh lương thực đã xuất hiện, còn lạm phát thì được dự báo sẽ lên tới 720%. Nhưng không chỉ có Venezuela đang ở chân tường, mà còn có cả Nga nữa.
Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Nga cũng đang đứng trên bờ vực của một cơn suy thoái nặng nề mà không ai có thể dự đoán đâu là điểm kết thúc. Đồng rúp đang là đồng tiền có tốc độ mất giá nhanh thứ hai thế giới, chỉ sau đồng peso của Argentina.
Hiện mức lạm phát của Nga đã lên tới gần 13%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng thì đã tăng lên gấp 4 lần so với mức mà ngân hàng trung ương Nga dự kiến là 4%. Việc giá dầu tiếp tục có xu hướng giảm cũng đồng nghĩa với việc lạm phát có thể sẽ còn tăng hơn nữa.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina thì vừa tuyên bố nước này không có ý định can thiệp vào giá trị đồng rúp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nga đang không có ý định ngăn cản đà mất giá đồng nội tệ, hoặc là không đủ sức để làm điều đó, khi mà quỹ dự trữ của Nga cũng đang bị sụt giảm mạnh và buộc chính phủ nước này cắt giảm chi tiêu trong hàng loạt các lĩnh vực.
Hiện tại Nga đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ hai kể từ lần đầu tiên trong giai đoạn cuối năm 2014, mà lần này thì Nga lại không có những phương tiện và điều kiện cần thiết để ngăn chặn nó như lần trước.
Cách đây một năm, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất lên mức rất cao, từ 10,5% lên 17%, để chặn đà lạm phát và buộc phải chấp nhận nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế. Và thực sự là kinh tế Nga đã suy giảm khoảng 3,8% trong năm 2015.
Nhưng lần này thì Nga không thể tăng lãi suất được nữa khi mà sức khỏe của nền kinh tế đang suy yếu và không đủ sức để chịu đựng một cú tăng lãi suất cao như thế. Nếu tăng lãi suất lên cao một lần nữa, thậm chí có thể còn khiến kinh tế Nga đổ vỡ nhanh hơn là tác động từ giá dầu.
Và có vẻ như chính phủ Nga cũng đang bất lực trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình hiện tại. Hiện Moscow đang phải tính đến phương án sẽ bán bớt cổ phần trong hàng loạt các tập đoàn quốc gia như các tập đoàn năng lượng Rosneft, Bashneft hay tập đoàn khai thác và kinh doanh kim cương Alrosa để tăng nguồn thu, đồng thời giảm chi tiêu trong một loạt các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực chủ chốt như giáo dục và y tế.
Điều này đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin đã giảm xuống chỉ còn 82% từ mức cao nhất trước đó là 89%. Đồng thời, tỷ lệ người dân bi quan về tương lai nền kinh tế và đất nước cũng tăng lên mức 34% so với mức 22% trong tháng 6.2015.
Rõ ràng khi kinh tế ngày càng khó khăn, lạm phát cao, đồng nội tệ sụt giá, chi phí y tế và giáo dục bị cắt giảm, thì việc người dân giảm sự ủng hộ với chính phủ Nga là điều dễ hiểu. Đây có thể được xem là một tín hiệu xấu với Tổng thống Putin khi mà chỉ còn khoảng 2 năm nữa là kỳ bầu cử mới sẽ diễn ra.
Có thể những sức ép đó là lý do mà Nga đang lần đầu tiên chủ động xuống nước, đề nghị hợp tác với OPEC để vực dậy giá dầu. Việc giá dầu tăng trở lại ở thời điểm hiện tại có thể sẽ là lối thoát cho kinh tế Nga, dù hậu quả là Nga và cả một số nước OPEC sẽ bị mất thị phần khá nhiều trên thị trường.
Nhưng các nước này không còn cách nào khác, khi mà nền kinh tế đã ở sát chân tường. Theo tính toán, nếu một thỏa thuận giảm sản lượng giữa Nga và OPEC được ký kết, thì có thể đưa giá dầu ngay lập tức trở lại trên 60 USD/thùng và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Theo Bloomberg, Một thế giới