Khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dữ liệu mở, kinh tế chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc mở rộng các điều kiện cho phép khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dữ liệu mở, kinh tế chia sẻ, từng bước cung cấp các dịch vụ số cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu - Đại tá Vũ Văn Tấn nói.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng C06. Bộ Công an
Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng C06. Bộ Công an

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) trao đổi về việc xây dựng và kết nối, chia sẻ, khai thác Dữ liệu dân cư; chủ trương hợp tác khai Dữ liệu số tại diễn đàn DX Summit 2023. Ông Tấn đề nghị các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương cần phối hợp tích cực với Bộ Công an - đơn vị được giao chủ trì xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia - tạo lập kho dữ liệu dùng chung của Chính phủ đảm bảo hạ tầng, pháp lý, các điều kiện khai thác, sử dụng dữ liệu của con người xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

“Trước mắt các bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo hệ thống, dữ liệu thì phối hợp với Bộ Công an số hóa dữ liệu trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như hộ tịch, bảo hiểm xã hội,… vừa đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tạo ra bộ dữ liệu sạch ứng dụng được ngay vào công tác quản lý nhà nước” – ông Tấn cho biết.

Việc kết nối, khai thác, thu thập, cập nhật thông tin công dân phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của Hiến pháp, các quy định pháp luật hiện hành, nhất là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ 01/7/2023.

Theo Đại tá Tấn, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tích hợp thông tin của 104 triệu công dân, trên 81 triệu thẻ căn cước công dân, trên 30 triệu tài khoản VNeID. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 đơn vị bộ ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN) và 63 tỉnh thành, địa phương, đã xử lý 935 triệu nhu cầu chứng minh về nhân thân

Hiện hệ thống đã tích hợp CCCD điện tử, sổ tay y tế, sổ hộ khẩu điện tử, bảo hiểm để sử dụng và các giấy tờ giấy phép lái xe, đăng ký xe đã được cơ quan chuyên ngành xác thực để chuẩn bị sử dụng, gần 1 triệu công dân sử dụng để tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID.

Bộ Công an đã thực hiện kết nối với Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phục vụ họp Chính phủ thường kỳ; hệ thống IOC của các địa phương phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội với tần suất 1 tháng 1 lần, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Với hệ thống đã có, Bộ Công an sẵn sàng tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, quản trị, vận hành, kết nối, chia sẻ các bộ dữ liệu của tất cả các bộ, ngành, địa phương như: dữ liệu về sở hữu tài nguyên môi trường (đất đai); dữ liệu được cập nhật tối thiểu định kỳ hàng tháng/quý; viễn thông; thương mại điện tử; bảo hiểm xã hội; thuế thu nhập cá nhân; thông tin tín dụng cá nhân; đất đai; đăng ký xe; bảo hiểm y tế… gắn với dữ liệu dân cư để người dân, doanh nghiệp được cung cấp các công cụ như thẻ CCCD, ứng dụng VNeID, hệ thống cổng dịch vụ công…; đảm bảo quyền làm chủ, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của người dân.

Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết, Bộ Công an đã bước đầu điện tử hóa dữ liệu cho ngành tư pháp, lao động thương binh xã hội, các hội, đoàn thể,… Đây là nền tảng để bảo hiểm, y tế, tài chính, giáo dục đối sánh dữ liệu và thống nhất sử dụng số định danh công dân duy nhất.

Đặc biệt, C06 đã tập trung nguồn lực, phối hợp triển khai thí điểm cho 8 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định, Bình Dương, riêng việc thực hiện số hóa 1,13 triệu dữ liệu hộ tịch tại Thái Nguyên trong 47 ngày đã giúp thông tin dữ liệu được chính xác, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và thời gian, đồng bộ thống nhất dữ liệu phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương./.