“Chuyện thật như đùa” đó đã xảy ra tại quán bar TV Club ở TP Đà Nẵng.
Rạng sáng 15-6, một du khách Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên quán bar cầm tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng rồi bất ngờ lấy bật lửa đốt. Đến lúc thanh toán, đoàn khách này cho biết đã tiêu hết tiền VN đồng và chỉ đưa trả chi phí bằng đồng nhân dân tệ - tiền của Trung Quốc.
Chỉ chấn chỉnh thôi sao?
Chiều 18-6, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết đã xác định được du khách Trung Quốc và đơn vị lữ hành có liên quan trong vụ đốt tiền VN ở quán bar.
Ông Trần Chí Cường - phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho hay: “Sẽ làm việc với các hướng dẫn viên trong đoàn khách để xác minh lại thông tin. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ tổ chức chấn chỉnh lại hành vi của các đơn vị liên quan trong vấn đề nghiệp vụ du lịch và xác định rõ sai phạm. Bây giờ vị khách trên đã về Trung Quốc rồi nên chỉ còn cách đối chất giữa những người chứng kiến vụ việc với các hướng dẫn viên trong đoàn”.
Nhiều bạn đọc tức giận trước hành vi xem thường tiền Việt của du khách Trung Quốc. “Sao chỉ xử lý nội bộ? Ngoại giao để đi đâu? Đốt tiền VN là hành động không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng cần làm rõ và tối thiểu thông qua đường ngoại giao yêu cầu người đốt tiền phải công khai xin lỗi” - một bạn đọc viết.
Anh Trần Hùng (Q.12, TP.HCM) thắc mắc: “Chuyện nghiêm trọng như vậy mà chỉ chấn chỉnh là sao? Phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Không vì khách nước ngoài mà bỏ qua
Bên cạnh việc hàng ngàn bạn đọc bức xúc, nhiều chuyên gia pháp lý cũng phẫn nộ không kém.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật VN, hành vi trên của du khách Trung Quốc đã vi phạm vào khoản 3 điều 31 nghị định số 96/2014 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo đó, du khách sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền VN trái pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết thêm: “Du khách Trung Quốc còn vi phạm điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước VN. Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân hủy hoại đồng tiền trái pháp luật cho dù là người nước ngoài đi chăng nữa.
Cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trên lãnh thổ VN vẫn bị xử phạt theo pháp luật VN. Ngoài bị phạt tiền, du khách còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Xúc phạm biểu tượng quốc gia Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc đốt tiền VN không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là một hành động xúc phạm đến biểu tượng của một quốc gia. Vì vậy, cá nhân có hành vi vi phạm cho dù là người VN, Trung Quốc hay một quốc gia nào khác đều cần phải bị xử lý nghiêm. |
Quán bar TV Club nơi phản ánh du khách Trung Quốc đốt tiền Việt - Ảnh: Trường Trung |
Cho thanh toán bằng nhân dân tệ là trái luật
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc người nước ngoài không chịu thanh toán bằng VN đồng mà yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ VN còn vi phạm điều 22 pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Cụ thể, trên lãnh thổ VN, mọi giao dịch thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước VN.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Theo điểm a khoản 6 và điểm a khoản 8, điều 24 nghị định số 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng và tịch thu số ngoại tệ.
Theo luật sư Hà Hải, cách xử lý của quán bar là chưa phù hợp và trái quy định pháp luật. Khi phát hiện hành vi hủy hoại tiền tệ VN thì quán bar phải ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý.
Tuy nhiên, quán bar đã không làm như vậy, điều này chứng tỏ nhân viên quản lý quán bar chưa hiểu rõ pháp luật.
Các luật sư cũng lưu ý người dân không nên giao dịch bằng ngoại tệ vì hợp đồng, giao dịch có thể bị vô hiệu và dẫn đến tranh chấp (nhất là những giao dịch có giá trị lớn).
Xử phạt du khách khi tái nhập cảnh
Luật sư Hà Hải cho biết cơ quan chức năng cần ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với du khách này và chuyển đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để tiếp nhận thông tin.
Khi du khách vi phạm trong vụ việc này tái nhập cảnh vào VN thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh báo ngay với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xử phạt.
Theo Tuổi Trẻ