Cực nhọc xứ người
TP.Đài Trung (Đài Loan) ngày cuối cùng của năm cũ. Nguyễn Xuân Đức (28 tuổi, quê xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) năm nay là lần thứ 2 phải ở lại ăn Tết nơi xứ Đài. Phận đi lao động thuê, không đủ tiền trang trải, năm nay cũng như năm trước cậu kẹt lại ở xứ người.
Quê hương Mai Phụ của Đức ở vùng ven cửa biển và sông nước mặn. Mênh mông ruộng muối người quê bỏ dần vì làm chẳng đủ ăn, kiếm được một ký muối thì mặn chát mồ hôi mà bán đi chẳng mua nổi bó rau muống. Người quê xa xứ cả, kẻ vào nam, người ra bắc phiêu dạt. Đức và em trai nhờ cha mẹ vay mượn đóng tiền đi xuất khẩu lao động qua Đài Loan. Ruộng muối quê nhà tốt um cỏ mặn, tràn ngập hoa cải vàng của những người già ở lại cấy dặm kiếm rau ăn qua bữa.
Sang Đài Loan đã hai năm nay, Đức làm trong công ty Thân Long Thành, đúc kim loại nặng. “Nóng lắm, nhiệt độ kim loại 1.500 độ C”. “Có bảo hộ hay không mà mặt cậu đen nhẻm, tè le thế?”, tôi hỏi. “Có bảo hộ chi mô, toàn than là than, bụi lắm”. “Sao khổ vậy, còn gì là sức khỏe?”. “Giờ còn trẻ, chưa chết được liền mô”, Đức nói vẻ cam chịu.
“Cậu làm đủ tiêu không?”. “Làm thủ tục qua đây hết 170 triệu đồng. Nếu công việc ổn định, trừ hết tất cả các chi phí phải đóng ở Đài Loan thì phải mất khoảng 2 năm mới hết được nợ lẫn lãi; còn xui nếu công việc không ổn định thì phải gần 3 năm mới xong nợ. Bên này hằng tháng phải đóng rất nhiều loại phí cho môi giới lắm”, Đức tâm sự.
Một tháng, nếu không tăng ca, thu nhập của Đức khoảng 14 triệu đồng, nếu trừ hết các nợ nần thì còn khoảng 6-7 triệu, đó là chưa tính tiền ăn ở, sinh hoạt. Tiền ăn ở hằng tháng khoảng 6,550 khoai ( 6,550 triệu tân Đài tệ, tiếng lóng của người lao động ở Đài Loan) tương đương 5 triệu đồng tiền Việt Nam.
Anh công nhân tên Đức (phải) đen nhẻm vì làm công việc nặng, đang nghỉ ngơi trong giờ tăng ca- Ảnh nhân vật cung cấp. |
“Nhưng có tiền mà xoay xở cũng tùy mỗi người nữa, vì tùy phục vụ cho công ty nào, là tùy thuộc vào chủ tốt hay xấu nữa. Có nhiều công ty chủ ép công nhân lắm, như ép tăng ca quá mức quy định nhưng lương tăng ca trả không đúng với luật ban hành. Hay trong hợp đồng thì tăng ca có cơm ăn nhưng cuối tháng trừ hẳn vào lương chẳng hạn”, Đức kể. “Vậy mình không phản ứng hay đình công gì à?”. “Khó lắm, như thế họ càng ép mình hơn!”.
“Nói chung bên này làm cực, có thu nhập như vậy nhưng giá cả lại đắt đỏ. Nên làm trả xong nợ rồi, tùy thuộc vào chủ có tốt hay xấu mới quyết định sang lại hay không”, Đức thở dài.
Cưới vợ xong, Đức và vợ cùng đứa em trai khan gói đưa nhau qua Đài Loan kiếm ăn. Hai vợ chồng Đức được ở trong ký túc xá của công ty. Còn nhiều người khác, tùy thuộc vào chủ mà có khi được ở ký túc xá hoặc phải thuê nhà trọ. “Cứ đến tháng, dù có việc hay không thì vẫn phải đóng đủ các khoản”, Đức kể.
Tết này, đứa em trai về quê lấy vợ. Đức và vợ phải ở lại tiết kiệm tiền, dù đã hai cái Tết xa nhà…
Con vẫn chưa về mẹ nhớ mong
Đã hai cái 30 Tết, Đức vẫn xa xứ chưa về quê với mẹ. Mấy luống cải vàng ở bên sông đã héo rồi tàn. Ngày xưa, trên bờ đê ven sông, những ngày đông giá rét cuối năm, những nhành đào quê đỏ thắm; hì hụi chất bếp, sửa soạn lại căn nhà, lau chùi đồ thờ tự…là những cảm giác quen thuộc của một người con trai cả trong gia đình.
“Giờ chắc bên nhà cha mẹ tự làm cả. Mẹ nói năm nay không gói bánh chưng vì không có ai vót nặm, đùm bánh. Thương cha mẹ quá chẳng biết sao”, Đức buồn rầu kể.
“Ở bên đó ăn Tết sao?”. “Buồn lắm. Tết mà, không đủ được thì…”, Đức bỏ lưng câu đang nói. Những người lao động Việt ở xứ Đài quanh năm vật lộn với công việc, gom góp từng đồng trả nợ, nơm nớp với nỗi lo không được đối xử tốt. Thế nên, để có một ngày Tết ở nơi xứ người cũng chật vật lắm.
Người tha hương bảo: “Có vợ ở lại, cũng phải tằn tiện dồn tiền từ vài tháng lương lại ăn Tết cho đàng hoàng tí. Ở Đài Trung này, người Việt, người ở huyện Lộc Hà ở lại cũng đông, dễ đến mấy trăm người. Anh em ai cũng xa nhà, gom tiền với nhau làm Tết. Sắm thêm cành hoa, làm thêm mấy món chua, đùm vài cái bánh chưng. Đồ ở đây đắt đỏ nên mình đùm 5 cái bánh chưng mà hết 800 ngàn đồng. Bên này người ta còn cho đốt pháo tết, cũng an ủi cái gọi là không khí ngày xuân”.
Bữa đón tất niên của những người lao động Hà Tĩnh làm thuê ở xứ Đài. |
Chiều nay, ngày cuối năm, Đức dọn dẹp lại ngôi nhà trọ rồi qua túm tụm cùng những người đồng hương xa xứ ăn tất niên. Hai vợ chồng cũng trích được chút ít gửi về quê cho mẹ ăn tết. Hai mẹ con gọi điện hỏi thăm nhau thường xuyên, mà vẫn thấy xa vời vợi.
“Bà cứ hỏi ăn tết thế nào, ra sao. Ở quê cha mẹ với em út ăn tết thiếu con. Năm nay ăn tết đạm bạc chờ tết sau con về ăn tết sắm sửa tươm tất hơn. Cứ phải an ủi mẹ mà mình thì cầm không vững điện thoại nữa…”.
Lánh vội ra ngoài nói câu chuyện dở, cậu thủ thỉ: “Tối nay phải về lại chỗ trọ cúng giao thừa, vọng bái tổ tiên. Chẳng được như những ngày ở nhà đêm 30 gia đình đoàn tụ, ăn miếng thịt đông, miếng dưa hành mẹ muối cay nồng. Thôi mọi người ở nhà ăn Tết vui, ở bên Đài này mong quê nhà lắm”.
Theo Một thế giới