Bệnh viện Ung thư thực chất là gì?
Thanh tra Đà Nẵng vừa có báo cáo số 458/BC-TTTP về việc tổ chức công bố Kết luận thanh tra và công khai Kết luận thanh tra "Về việc quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ và việc quản lý, chuyển quyền sử dụng đất của Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng)", với nhiều vấn đề liên quan đến Bệnh viện Ung thư, cũng như việc ông Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện chuyển trả số tiền 37,275 tỷ đồng tài trợ cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt dần hé lộ.
Sau khi xảy ra sự việc, dư luận đã đặt câu hỏi: "Bệnh viện Ung thư của ai? Hoạt động như thế nào? Quyền hạn của Giám đốc Bệnh viện đến đâu? Chính quyền Đà Nẵng "quốc hữu hóa" bệnh viện này bằng mệnh lệnh hành chính có đúng luật?"....
Theo hồ sơ pháp lý của Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thực ra là Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (gọi tắt là Bệnh viện) có cơ quan chủ quản là Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng. Doanh nghiệp này được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Bệnh viện được đăng ký hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0401507848 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT TP.Đà Nẵng cấp dưới loại hình Công ty TNHH Một thành viên.
Giấy phép hoạt động khám chữa, bệnh số 24/BYT-GPHĐ thì Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thuộc quyền sở hữu của một tổ chức, đó là Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật doanh nghiệp 2005 (tương ứng là khoản 1 Điều 75 Luật doanh nghiệp 2014), thì Chủ sở hữu công ty là tổ chức có các quyền: "h) ... chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; m) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; n) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản".
Điều lệ hoạt động của Bệnh viện đã được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng phê duyệt, quy định: "Bệnh viện Ung thư có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công việc thực hiện nhiệm vụ; chủ động lựa chọn ngành nghề, hình thức kinh doanh, quy mô hoạt động; phương thức huy động phân bổ và sử dụng nguồn vốn” (Theo Điều 9 khoản 1 điểm a, Điều lệ Công ty)
Về quy chế tài chính và chi tiêu nội bộ Công ty TNHH MTV Bệnh viện ung thư Đà Nẵng (ban hành kèm theo Quyết định số 538 ngày 16/9/2013 của Giám đốc bệnh viện) thì nguồn vốn của Bệnh viện Ung thư bao gồm: Vốn của Hội cấp, vốn viện trợ, Vốn vay và các nguồn vốn khác; tài sản, vật tư, trang thiết bị của Bệnh viện v.v.
Do đó, Bệnh viện Ung thư hoàn toàn có quyền xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc sử dụng và quản lý các nguồn vốn trên cơ sở các quy định trên đây và pháp luật về doanh nghiệp. Cụ thể, Bệnh viện Ung thư có quyền: “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp” (Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 Điều 8 khoản 8 và Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 Điều 7 khoản 8).
Không chỉ vậy, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Bệnh viện thể hiện Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Bệnh Viện do đó căn cứ Điều lệ và quy định của Luật doanh nghiệp về quyền hạn và nghĩa vụ của giám đốc thì Giám đốc có quyền đại diện và nhân danh công ty để thực hiện việc quản lý tài sản, điều hành hoạt động hàng ngày và tham gia vào các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại với các tổ chức, cá nhân khác nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Điều lệ của Bệnh viện cũng có quy định Chủ sở hữu Bệnh viện là Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh Tp. Đà Nẵng có nghĩa vụ: “Phải xác định và tách biệt tài sản của Chủ sở hữu và tài sản của Bệnh viện” (Điều lệ, Điều 15 khoản 3). Điều này phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp số: 60/2005/QH11 và Luật Doanh nghiệp số: 8/2014/QH13 quy định về việc “Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty” cho thấy Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hay Bệnh viện là một pháp nhân được thành lập hợp pháp có tài sản độc lập với tất cả các tổ chức, cá nhân khác kể cả với của Chủ sở hữu Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng. Và hoạt động của Bệnh viện Ung thư được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp
Có hay không việc "Quốc hữu hóa" doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính?
Trong khi Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là một Doanh nghiệp độc lập, được đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và thuộc sở hữu của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Tp Đà Nẵng (Một tổ chức xã hội được hoạt động theo quy định của pháp luật về hội) thì tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng Khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), Đà Nẵng đã "quốc hữu hóa" doanh nghiệp này bằng mệnh lệnh hành chính khi thông qua Nghị quyết số 111/2015/NQ-HĐND ngày 9/7/2015.
"Về Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng: Thống nhất chủ trương thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố quản lý, trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và tiếp nhận Khoa Ung bướu thuộc Bệnh viện Đà Nẵng, hoàn thành trước ngày 02/9/2015.
Sau khi thành lập, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp tục phát huy và thực hiện tốt hơn nữa tôn chỉ, mục đích nhân văn ban đầu của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, nhất là việc giúp đỡ, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng", Điều 1, Khoản IV, mục 1.2, Nghị quyết số 111/2015/NQ-HĐND, kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, ngày 9/7/2015 ghi rõ.
Và để hiện thực hóa Nghị quyết 111/2015/NQ-HĐND TP, ngày 1/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức công bố quyết định thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng (trên cơ sở tổ chức lại khoa Ung bướu trực thuộc Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, người lao động, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, tài sản của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thuộc Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng) theo quyết định số 5898/QĐ-UBND ngày 15/8/2015 của UBND TP Đà Nẵng.
Dư luận đặt ra câu hỏi, Đà Nẵng đã "quốc hữu hóa" doanh nghiệp Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng với tài sản độc lập của doanh nghiệp bằng việc sáp nhập với khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng thông Nghị quyết số 111 của HĐND TP Đà Nẵng liệu có đảm bảo tính pháp lý?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Khánh Linh, Giám đốc Công ty Luật TNHH LDL, thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết: "Chúng ta phải làm rõ vấn đề Bệnh viện ung thư Đà Nẵng thuộc quyền sở hữu của ai? Để xác định ai sẽ định đoạt số phận pháp lý của Bệnh viện này. Và theo quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật doanh nghiệp 2005 (tương ứng là khoản 1 Điều 75 Luật doanh nghiệp 2014), thì Chủ sở hữu công ty là tổ chức có các quyền: "h) ... chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; m) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; n) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản".
Như vậy, chỉ có Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng mới được quyền thực hiện các quyền của Chủ sở hữu đối với Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, ngoài ra không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào được phép".
Trở lại việc HĐND, UBND TP Đà Nẵng bằng các Nghị quyết và Quyết định của mình để “Tiếp nhận nguyên trạng tổ chức, bộ máy, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản, tài chính của Bệnh viện ung thư Đà Nẵng”. Luật sư Trần Khánh Linh cho biết: "Pháp luật hiện hành gồm Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan không hề có bất kỳ quy định này cho phép HĐND và UBND làm việc đó".
Cũng theo Luật sư Trần Khánh Linh, giữa chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng với Chính quyền TP. Đà Nẵng hoặc Sở Y tế TP Đà Nẵng hoặc tổ chức, doanh nghiệp được Chính quyền TP Đà Nẵng chỉ định không ký kết thực hiện giao dịch dân sự nào thì không có căn cứ pháp lý để vốn chủ sở hữu chuyển từ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng sang tổ chức, cá nhân khác.
"Không chỉ vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết (số 111 ngày 9/7/2015) và UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định (số 5898 ngày 15/8/2015) thì Chính quyền TP Đà Nẵng đã ban hành Thông báo số 208/TB-VP này 20/8/2015 của văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, có nội dung “chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng” là hoàn toàn trái luật. Tôi cho rằng vụ việc trên được xem là một vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, nhưng về kỹ thuật, trình tự thực hiện thì Chính quyền TP. Đà Nẵng đã mắc sai lầm. Đây là trường hợp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp bằng các Nghị quyết, Quyết định, Công văn mà không thông qua bất kỳ một giao dịch dân sự nào lần đầu tiên tôi gặp!", Luật sư Trần Khánh Linh nhấn mạnh.
"Xin nói thêm là nếu chính quyền Đà Nẵng muốn “Tiếp nhận nguyên trạng tổ chức, bộ máy, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản, tài chính của Bệnh viện ung thư Đà Nẵng” thì UBND TP Đà Nẵng (theo thẩm quyền) phải thành lập một pháp nhân độc lập, rồi dùng tư cách pháp lý của pháp nhân này để sáp nhập Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vào mình bằng hình thức mua bán, nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng tại Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Và các giao dịch này là các giao dịch dân sự thuần túy, hoàn toàn không có cơ chế, định chế hành chính nào cho việc này.
Bởi Điều 5 Luật Doanh nghiệp nêu rõ “3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của doanh nghiệp; trường hợp trưng mua thì doanh nghiệp được thanh toán, trường hợp trưng dụng thì doanh nghiệp được bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp”, Luật sư Trần Khánh Linh phân tích.
"Tóm lại, cách mà Chính quyền Đà Nẵng đã làm đối với Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng mang dáng dấp của một việc “quốc hữu hóa” doanh nghiệp tư nhân, tính pháp lý của việc trên hoàn toàn không được đảm bảo. Một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường (không phải do UBND TP Đà Nẵng thành lập), thì HĐND, UBND không thể nào bằng các Nghị Quyết, Quyết định, Văn bản hành chính của mình để có thể yêu cầu nó “chấm dứt hoạt động” và bàn giao toàn bộ tất tần tật: “tổ chức, bộ máy, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản, tài chính..” về mình được?
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của HĐND, UBND và môi trường đầu tư của thành phố, Cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương này có yên tâm không, nếu một ngày đẹp trời họ nhận được các Nghị Quyết, Quyết định, Công văn yêu cầu, bắt buộc họ phải bàn giao doanh nghiệp, sản nghiệp của họ cho nhà nước. Và theo tôi Chính quyền TP Đà Nẵng nên rà soát lại các quy định của pháp luật các bước, trình tự đã thực hiện đối với trường hợp trên trên tinh thân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về Doanh nghiệp để có thể vừa đảm bảo thực hiện được chính sách, đường lối của mình vừa tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc “Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, Luật sư Trần Khánh Linh nói.