Theo múi giờ tại Auckland, New Zealand, thời điểm diễn ra lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP là 11h sáng ngày 4/2.
Như vậy, sau 10 năm kể từ khi có ý tưởng hình thành, Hiệp định TPP đã trở thành hiện thực.
Từ tiền thân ban đầu là Hiệp định Hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định P4) với 4 thành viên tháng 6/2005, đến thời điểm ký kết này, TPP có 12 nước tham gia là: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Đối với riêng Việt Nam và Mỹ, ngày ký kết TPP này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn khi trùng với chính ngày Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn đối với Việt Nam (4/2/1994, tức 24 tháng Chạp, giáp Tết Quý Dậu). Thành phố Auckland, New Zealand- nơi ký TPP- cũng chính là nơi đầu tiên mà hai nước từng dự kiến ký Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ (BTA) tháng 9/1999 nhưng sau đó đã hoãn lại cho đến tháng 7/2000.
Theo thống nhất của các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP, sau khi ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP, Hiệp định sẽ được Chính phủ các nước trình Quốc hội phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.
Mục tiêu đề ra của TPP vào năm 2011 là thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng, một Hiệp định trải dài khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm ba lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân.
Bộ Công Thương cho biết, thông qua việc xây dựng các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao để hỗ trợ các hoạt động giao thương trong thế kỷ 21, Hiệp định TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa 12 nền kinh tế thành viên, tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu cho các thành viên. TPP được kỳ vọng là một hiệp địn toàn diện, bên cạnh ý nghĩa kinh tế đơn thuần, hiệp định sẽ hỗ trợ tạo công ăn việc làm và cơ hội mới cho giới trẻ, thúc đẩy cải cách và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho người dân.
Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào sân chơi chung của khu vực có tổng giá trị chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu và đóng góp cho GDP thế giới gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong những vấn đề như quy mô, chất lượng nền kinh tế còn thấp so với các nước thành viên TPP khác, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao hơn. Năng lực cạnh tranh cả về sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia của Việt Nam đều hạn chế và dễ bị tổn thương, chất lượng nhân lực về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp đều còn hạn chế…
Bộ Công Thương cho biết, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có TPP, Chính phủ đã tập trung ưu tiên thực hiện một số biện pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đặc biệt liên quan đến các FTA, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính để tăng tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh...
Theo VNN