Chuyển Quỹ Bình ổn xăng dầu cho Nhà nước nắm giữ
Tại dự thảo 3 Nghị định về Kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu dự kiến không để tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như hiện nay, mà do Nhà nước nắm giữ.
Việc sử dụng Quỹ sẽ theo quy định Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7). Khi đó, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách.
Luật Giá 2023 quy định có 5 biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng Quỹ bình ổn đối với mặt hàng đã thành lập quỹ. Các Bộ, ngành xây dựng phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ cho phép về mặt chủ trương, sau khi có chủ trương các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Việc sử dụng Quỹ bình ổn thực hiện theo Luật giá 2023.
So với dự thảo trước, Bộ Công thương đã thay đổi quan điểm về quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vẫn để quỹ nhưng thay vì doanh nghiệp giữ sẽ chuyển về cho Nhà nước quản lý. Biện pháp bình ổn là có thời hạn.
Điểm mới là trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân.
Góp ý xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) và các chuyên gia đều kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì không đánh giá hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.
Việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu không lớn. Nếu có giữ lại quỹ, các chuyên gia cho rằng Bộ Công Thương cần giao cho một đơn vị quản lý Nhà nước quản lý và giám sát.
Giữ quan điểm giao cho thương nhân đầu mối tự quyết định giá bán lẻ
Cũng tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại dự thảo lần 2, đó là để thương nhân đầu mối tự quyết định giá bán lẻ, Nhà nước sẽ không điều hành giá nhiên liệu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức, biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn).
Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại nghị định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương hoạt động sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.
Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn theo quy định, các thương nhân thực hiện bán lẻ xăng dầu tại địa bàn này được quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình không vượt quá 2% giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại nghị định.
Giá này được công bố 7 ngày một lần, là mức trần để các doanh nghiệp xác định giá bán lẻ trong hệ thống. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 11/7, Nhà nước công bố giá xăng RON 95-III tối đa 23.294 đồng/lít, doanh nghiệp chỉ được bán ra bằng hoặc thấp hơn mức này.
Việc thay đổi này, Bộ Công Thương lý giải do cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường. Quy định hiện hành là Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở, điều chỉnh các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng quý. Sau đó, cơ quan này thông báo cho Bộ Công Thương để tính giá cơ sở bán lẻ.
Với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương giữ quan điểm nhóm này chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau, nhằm minh bạch hóa thị trường kinh doanh xăng dầu, loại bỏ việc mua bán lòng vòng làm tăng thêm chi phí.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu. Dự thảo Nghị định lần 3 cũng bổ sung quy định về kinh nghiệm, năng lực đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu như có ít nhất 36 tháng làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Nhìn nhận tinh thần chung của Nghị định là tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu tự quyết định giá bán, giảm các quy trình tính toán giá cơ sở liên quan, phản ánh tốt hơn biến động chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, Chứng khoán MB dự báo các doanh nghiệp với thị phần lớn như Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ dự thảo lần này.
Theo công ty chứng khoán này, Dự thảo lần 3 trao quyền quyết định giá bán lẻ cho các thương nhân đầu mối, tuy nhiên có một số thay đổi đáng chú ý so với dự thảo 2.
Cụ thể, Nghị định đã thay đổi công thức giá bán xăng dầu tối đa, bổ sung lại khoản mục “premium” vào công thức giá bán và điều chỉnh với thời gian 7 ngày/lần (trong khi dự thảo 2 có thể coi là bỏ khoản mục này).
Việc thay đổi cách điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức và không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối, đơn giản hóa quá trình tính toán giá xăng dầu bán lẻ.
Bên cạnh đó, dự thảo 3 cũng quyết định giữ nguyên số ngày dự trữ tối thiểu với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là 20 ngày cung ứng (khác với dự thảo 2 đề xuất 30 ngày cung ứng), hỗ trợ chi phí kinh doanh trên một lít xăng dầu của các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Dự thảo 3 hướng tới việc phản ánh sát sao hơn chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thông qua việc giảm thời gian điều hành của một số khoản mục trong công thức giá bán tối đa, từ đó theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và các chi phí vận tải, bốc dỡ, hao hụt liên quan.
“Các thay đổi chính nói trên sẽ hỗ trợ nhiều nhất cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thị phần lớn với khả năng kiểm soát tốt các chi phí đầu vào như Petrolimex (HOSE: PLX) và PV Oil (UPCoM: OIL). Mặc dù vậy, dự thảo cũng có yêu cầu khắt khe hơn với các điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối này”, Chứng khoán MB nhận định.
Cùng quan điểm với Chứng khoán MB, Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng, các điều chỉnh trong quy định xăng dầu theo hướng chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Petrolimex và giúp tập đoàn duy trì thị phần cơ sở ở mức cao.
Chứng khoán Vietcap dự báo lợi nhuận sau thuế của Petrolimex giai đoạn 2024- 2028 sẽ cao hơn 14% từ kỳ vọng Nghị định kinh doanh xăng dầu mới sẽ mang lại lợi ích cho PLX thông qua việc trao quyền cho các thương nhân phân phối xăng dầu tự định giá bán lẻ xăng dầu.