Doanh nghiệp đầu tiên của ngành thép công bố báo cáo tài chính quý II/2024 là Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất (MCK: TNS), với kết quả kinh doanh chuyển từ lỗ kỳ trước sang lãi.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II của công ty đạt 919,9 tỷ đồng, tăng 7,6 lần so với cùng kỳ năm trước, phần lớn đến từ doanh thu bán hàng hóa và thành phẩm.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán quý này của công ty cũng tăng 7,5 lần lên 898,9 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ thu về hơn 21 tỷ đồng, dù vậy, con số này đã tăng 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Thép tấm lá Thống Nhất đạt 1.724 tỷ đồng, tăng 8,2 lần; lợi nhuận gộp đạt 35,8 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm 70% so với cùng kỳ, chỉ còn 38 triệu đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng gần gấp đôi lên 6,3 tỷ đồng, chiếm gần một nửa là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng 2,8 lần lên 2,4 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi lên 8,2 tỷ đồng.
Trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 18,8 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm. Tuy lợi nhuận mỏng so với doanh thu nhưng đây là kết quả tích cực so với con số lỗ gần 3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, tương đương tăng hơn 500%.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Thép tấm lá Thống Nhất nhận định thị trường thép cán nguội đầu năm 2024 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường từ cạnh tranh địa chính trị, khả năng phục hồi chậm. Tuy nhiên, công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng và nguồn hàng có giá cả hợp lý, nhờ đó, sản lượng sản xuất tăng 162% và tiêu thụ tăng 171% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Thép tấm lá Thống Nhất đặt mục tiêu bán được 140.000 tấn thép cán nguội, thu lợi nhuận 1 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã về đích vượt xa kế hoạch lãi đề ra.
Tính đến 30/6/2024, Thép tấm lá Thống Nhất có tổng cộng tài sản đạt 546,6 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tiền tương đương tăng gần gấp đôi lên 16,5 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Các khoản phải thu ngắn của khách hàng hạn giảm nhẹ xuống còn 29,7 tỷ đồng, chủ yếu ở Công ty cổ phần thép TVP và Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Tôn Tân Phước Khanh. Hàng tồn kho quý này của công ty tăng 2,5 lần lên 263 tỷ đồng, chủ yếu tồn ở tiền nguyên vật liệu.
Tính đến cuối quý II, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 35% lên 497 tỷ đồng, phần lớn nằm ở nợ ngắn hạn. Trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn là 166,5 tỷ đồng, tăng 81,7% so với đầu năm, do khoản phát sinh 78 tỷ đồng từ Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thép VTS. Người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng tăng 146,5% lên 118,8 tỷ đồng, phần lớn đến từ Công ty Tôn Phương Nam.
Tổng vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp giảm gần 22% về mức 84,4 tỷ đồng. Chủ nợ là Công ty tài chính cổ phần Tín Việt và Tổng Công ty Thép Việt Nam (cổ đông lớn của doanh nghiệp). Lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính hết quý II ở mức âm 151 tỷ đồng.
Kỳ vọng ngành thép năm 2024
Theo hiệp hội thép Việt Nam (VSA) dự đoán lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Nhu cầu thép kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024.
Chứng khoán MB (MBS) cũng dự báo trong năm 2024, giá thép nội địa phục hồi nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% trong năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu thép cải thiện.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu