Hội nghị TƯ 7: xây dựng chiến lược cán bộ và cán bộ cấp chiến lược

VietTimes-- Sáng này, 7/5, Hội nghị Trung ương 7, khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Dự kiến BCH TƯ sẽ tập trung thảo luận các đề án: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” và “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp” và một số vấn đề quan trọng khác.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của đất nước. (Ảnh: Khai mạc Hội nghị Trung ương 7 -  Nguồn: VGP)
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của đất nước. (Ảnh: Khai mạc Hội nghị Trung ương 7 - Nguồn: VGP)

Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 là “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Đề án gồm 5 phần: Mở đầu; thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đánh giá tác động khi thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị.

Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của 128 cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.

Đề án này xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, dự kiến Trung ương cũng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc một tuần, bế mạc vào ngày 12/5/2018.

“Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý cấp chiến lược thì, theo chúng tôi, là cần thực hiện 7 “tuyển”.  Một là, thi tuyển; hai là, bầu tuyển; ba là, tiến tuyển: Đây là việc tuyển chọn thông qua sự tiến cử từ dưới lên. Hiện nay, chúng ta rất cần dùng biện pháp này, để mở thêm những “cánh cửa” cầu người đức tài cho đội ngũ cán bộ của chúng ta. Bốn là, ứng tuyển: Cần được phổ biến rộng rãi và có chế tài cổ vũ những người có đức tài tự ra ứng tuyển. Năm là, bổ tuyển hay là sự bổ nhiệm của các cấp có thẩm quyền về cán bộ đối với cấp dưới. Sáu là, tranh tuyển. Không có tranh tuyển khó chọn được người tài đích thực. Và cuối cùng, bảy là, cử tuyển: Thực chất cũng là một cách bổ nhiệm, nhưng là sự chỉ định trực tiếp người đảm trách một công việc, một cương vị nào đó của cấp có thẩm  quyền.

 Sự phân định bảy hình thức tuyển chọn như đã nói trên chỉ là tương đối. Cho nên, tùy trường hợp cụ thể việc tuyển chọn nhân tài có thể dùng một hay kết hợp nhiều hình thức. Nói khái lược, dù dưới hình thức nào, đó chính là công việc chọn tuyển”

(Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản)

“Hội nghị lần thứ ba, BCH TƯ khóa VIII (tháng 6 năm 1997) đã có hẳn một nghị quyết (Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18/6/1997) “Về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó đã đánh giá rất kỹ về thực trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Đưa ra những tiêu chí rất cụ thể, rất trúng, rất hay về lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí cán bộ”. Vì vậy, theo tôi, bàn về công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay, Hội nghị TƯ 7 sắp tới, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản phải có, cần tập trung vào hai tiêu chí rất quan trọng, đó là trong sạchkhông lợi ích nhóm

(ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương)