Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Đã có 2.600 phóng viên quốc tế đăng ký đến Việt Nam

VietTimes -- Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã cho biết thông tin này khi trả lời phỏng vấn báo chí chiều nay, 21/2, về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai từ ngày 27-28/2 tại Hà Nội. VietTimes được trích đăng lại nội dung trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Lê Hoài Trung trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP).
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Đã có 2.600 phóng viên quốc tế đăng ký đến Việt Nam ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung


Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai tại Việt Nam?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Chúng ta đều biết Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên là sự kiện quốc tế được dư luận trong và ngoài nước quan tâm hàng đầu. Việc hai nước đề nghị Việt Nam là nước chủ nhà cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai có rất nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, qua sự kiện này, Việt Nam thể hiện là quốc gia có trách nhiệm tích cực trong cộng đồng quốc tế và mong muốn đóng góp vào tiến trình hòa bình khu vực và thế giới. Việt Nam không những xây dựng hòa bình cho mình còn đóng góp vào kiến tạo hòa bình cho khu vực và trên thế giới. Đây là sự thay đổi rất lớn, thể hiện vị thế và năng lực cũng như sự đổi mới của Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực.

Chúng ta cũng thấy trong nhiều năm khi kết thúc các cuộc xung đột, chiến tranh thì Việt Nam đã đi khắp nơi như: Geneve, Paris để lập lại hòa bình trên Bán đảo Đông Dương cũng như tại Việt Nam. Nhưng lần này, một hội nghị hòa bình lớn diễn ra tại Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm UNESCO trao danh hiệu Thành phố vì hòa bình cho Hà Nội.

Thứ hai, qua sự kiện này, chúng ta cũng đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng quốc tế và cả hai nước khi đề nghị Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai cho hội nghị, là một đất nước an ninh, an toàn, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình phát triển, mở cửa trong thời gian vừa qua và có quan hệ thân thiện, hữu nghị với các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Một ý nghĩa rất quan trọng nữa, sự kiện này là dịp quan trọng để Việt Nam có điều kiện giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Theo tôi được biết, tới ngày hôm nay đã có tới 2.600 phóng viên quốc tế đăng ký và đến Việt Nam sẽ là cơ hội để đưa hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới. Họ cũng là người chứng kiến tận mắt thành tựu các mặt của Việt Nam.

Được biết, thời gian để chuẩn bị cho Hội nghị rất ngắn, xin Thứ trưởng cho biết công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: So với lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tại Singapore, thì lần này, thời gian để Việt Nam chuẩn bị cho hội nghị rất ngắn. Singapore có gần hai tháng, trong khi hội nghị lần hai này, kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donal Trump thông báo chính thức địa điểm tổ chức tại Việt Nam là ngày 6/2, nêu địa điểm là tại Hà Nội sau đó mấy ngày, tức là Việt Nam có chưa đến 20 ngày để chuẩn bị. Trong khi đó, công tác chuẩn bị gồm rất nhiều nội dung, đó là an ninh, lễ tân, hậu cần và thông tin báo chí.

Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam rất coi trọng, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo sát sao về công tác chuẩn bị và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Cho đến nay, có thể nói về cơ bản các công việc chuẩn bị đã triển khai theo đúng tiến độ và hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên đều đánh giá cao, cảm ơn công tác chuẩn bị của Việt Nam. Cụ thể, các lĩnh vực an ninh, lễ tân đã được Việt Nam bàn bạc rất sát với hai nước để có phương án cụ thể. Đặc biệt là về an ninh, có nhiều phương án khác nhau về bảo vệ, chống cháy nổ, các phương án dự phòng, phương án bảo đảm an ninh trong di chuyển, an ninh, an toàn mạng internet… Rất nhiều khâu công việc đã được triển khai. Về lễ tân cũng vậy, từ địa điểm họp, khách sạn nơi ở, lễ tân đưa đón trong suốt thời gian diễn ra sự kiện

Công tác thông tin báo chí, đã chuẩn bị tốt hạ tầng cho Trung tâm báo chí, triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho phóng viên quốc tế vào, triển khai hệ thống thông tin mạng để có thể đưa thông tin sớm và nhanh tới phóng viên báo chí nước ngoài. Cho đến nay, cơ bản đạt tiến độ đề ra và được hai nước đánh giá cao./.