Trước yêu cầu tăng cường hội nhập sâu rộng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó với những thách thức trong khu vực và trên toàn thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 diễn ra tại Bali, Indonesia vào tháng 10/2003 đã thông qua “Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II” (gọi tắt là “Tuyên bố Bali II”), đưa ra mục tiêu đến năm 2020 (tại Hội nghị Thượng đỉnh -13, Philippines quyết định vào năm 2015, sớm hơn 5 năm) xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột chính, trong đó có trụ cột Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), mà cốt lõi là hợp tác về quốc phòng.
Do đó, việc tổ chức và thiết lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (Asean Defence Ministers’ Meeting – ADMM) đã được đặt ra như một yêu cầu bức thiết và được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN quan tâm. Hầu hết các nước ASEAN đều cho rằng, khi thảo luận nội dung kinh tế và chính trị mà không đề cập đến vấn đề quốc phòng – an ninh thì chưa thể nói đến thúc đẩy hội nhập sâu rộng trong ASEAN.
Sau hơn một năm chuẩn bị, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ nhất (ADMM-1) đã được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) trong các ngày 8,9 tháng 5 năm 2006. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng đã trao đổi quan điểm về một số vấn đề an ninh quốc tế và khu vực; thảo luận và thông qua Tài liệu khái niệm về “Tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN”.
Theo đó, mục tiêu của ADMM là: 1. Thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực thông qua đối thoại và hợp tác về quốc phòng và an ninh; 2. Chỉ đạo đối thoại và hợp tác của các quan chức cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác đối thoại; 3. Thúc đẩy lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau thông qua sự hiểu biết hơn về các chính sách quốc phòng và nhận thức về mối đe dọa cũng như đề cao sự minh bạch và công khai; 4. Đóng góp tích cực vào việc thiết lập Cộng đồng An ninh ASEAN.
Hội nghị đã kí Tuyên bố chung ADMM-1, thống nhất tất cả các nước thành viên ASEAN sẽ luân phiên làm Chủ tịch và đăng cai tổ chức hội nghị ADMM thường niên.
Hội nghị ADMM-2, tổ chức tại Singapore tháng 11/2007, đã thông qua: Nghị định thư về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN; Chương trình hoạt động 3 năm của ADMM; đặc biệt, Tài liệu khái niệm về “Thành lập Hội nghị ADMM Cộng (ADMM+)”, nội dung chủ yếu là việc mời các nước ngoài ASEAN tham gia ADMM. Tiếp, Hội nghị ADMM-3 (tháng 2/2009, Thái Lan) thông qua các Tài liệu khái niệm về: “Sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN vào việc cứu trợ thảm họa thiên tai”; “Hợp tác giữa các cơ sở quốc phòng ASEAN với các tổ chức dân sự trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống”; và “Nguyên tắc gia nhập ADMM Cộng”.
Năm 2010, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ trì và phối hợp tổ chức: Hội nghị ADMM-4; Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 (ACDFIM-7); Đối thoại của các quan chức quốc phòng ARF (còn gọi là DoD), bao gồm: 2 cuộc họp Nhóm hỗ trợ giữa kì ARF về xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa (ISG-CBMs/PD), 2 cuộc họp Quan chức cao cấp ARF (ARF-SOM) và Hội nghị Chính sách an ninh khu vực ARF (ASPC) cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Đặc biệt, do Hội nghị ADMM-4 (tổ chức vào tháng 5/2010) xác định được cơ cấu và thành phần các quốc gia ngoài ASEAN tham gia ADMM, nên Hội nghị ADMM+ đầu tiên cũng đã được tổ chức tại Việt Nam, vào tháng 10/2010.
Bộ trưởng Bộ QUốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị ADMM-13. Ảnh: Bộ Quốc phòng,
|
Ngày 18/11/2019, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm 2020. Như vậy, lần thứ hai sau 10 năm, Việt Nam vui mừng chào đón các đối tác trở lại nơi đã thiết lập ra ADMM+.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN là diễn đàn cấp cao nhất dành cho các nhà lãnh đạo quốc phòng các nước thành viên ASEAN trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh của khu vực và của từng nước thành viên; là cơ chế tham vấn và hợp tác về quốc phòng – an ninh cao nhất ở cấp Bộ trưởng ASEAN. Đến nay, ADMM đã khẳng định được vai trò trong cơ cấu chung của ASEAN. Đây là bước phát triển sâu rộng của ASEAN trong bối cảnh ASEAN đã hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trong đó Cộng đồng Chính trị – An ninh là trụ cột cơ bản.
Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN và Nước chủ nhà Hội nghị ADMM-10, Việt Nam có cơ hội nâng cao vị thế quốc tế, góp phần quan trọng củng cố, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.