Một đề xuất chủ chốt được hai học giả đưa ra cho Mỹ và Đài Loan chính là đe dọa phá hủy các cơ sở sản xuất của Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC) – hãng sản xuất chip quan trọng nhất thế giới, cũng là nhà cung cấp quan trọng nhất đối với Trung Quốc – trong trường hợp Bắc Kinh tấn công Đài Loan.
Samsung, có trụ sở tại Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, lúc đó sẽ trở thành nguồn cung thay thế duy nhất của Trung Quốc. Nếu như các cơ sở của TSMC ngừng hoạt động, “các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc sẽ lập tức bị đình trệ cùng thời điểm mà nước này đưa ra nỗ lực chiến tranh quy mô lớn”, các tác giả viết.
“Kể cả khi cuộc chiến chính thức chấm dứt, tổn thất về kinh tế cũng sẽ kéo dài trong suốt nhiều năm”, nghiên cứu đưa ra nhận định, thêm rằng viễn cảnh này có thể gây tổn hại tới chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo các tác giả thì thách thức của Mỹ và Đài Loan là làm sao để Trung Quốc tin lời đe dọa này sẽ trở thành sự thật. “Có thể thiết kế ra một cơ chế tự động, và nó sẽ được kích hoạt ngay khi có một đòn tấn công”, họ viết.
“Mặc dù Trung Quốc đang có nỗ lực lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp chip “Made in China”, nhưng chỉ có 6% chất bán dẫn được sử dụng ở nước này là được sản xuất trong nước, trong năm 2020”, nghiên cứu cho hay.
Nghiên cứu mới có tên “Vỡ tổ: Ngăn chặn Trung Quốc tấn công Đài Loan” được viết bởi Tiến sĩ Jared McKinney và Giáo sư Peter Harris. Ông McKinney nói rằng nghiên cứu của họ không nhất thiết là đại diện cho Không quân Mỹ.
Trung Quốc đã phản ứng kịch liệt trước báo cáo này. Ngày 23/12 năm ngoái, website của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã đăng tải một bài viết nhấn mạnh rằng “việc đại lục theo đuổi thống nhất xuyên eo biển không phải vì TSMC.”
"Súng săn tầm xa" và kế hoạch chung bảo vệ Đài Loan của Mỹ và Nhật Bản
Chiến lược mới mà hai học giả Mỹ đưa ra khác biệt hẳn so với chiến lược truyền thống của Mỹ - như triển khai các chiến hạm của Mỹ tới sát Đài Loan để bảo vệ hòn đảo này – tuy nhiên có thể là chưa đủ để khiến Bắc Kinh ngừng có hành động quân sự trên eo biển Đài Loan.
Theo hãng Nikkei Asia, một chuyên gia phân tích có liên hệ với Hải quân Trung Quốc từng nói với hai tác giả rằng, quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành xong chiến dịch tấn công Đài Loan chỉ trong 14 giờ đồng hồ, và dự đoán rằng Mỹ và Nhật Bản phải cần tới 24 giờ đồng hồ để phản ứng.
“Nếu viễn cảnh này gần chính xác, chính phủ Trung Quốc có thể muốn tạo ra một sự việc đã rồi, miễn là họ tự tin với khả năng của họ”, hai tác giả McKinney và Harris viết.
Trong khi đảm bảo rằng các cơ sở sản xuất chip không rơi vào tay Bắc Kinh, Mỹ và các đồng minh cũng có thể soạn thảo những kế hoạch phòng ngừa, để có thể nhanh chóng sơ tán những nhân công có kỹ năng của Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn và cung cấp nơi ở cho họ, nghiên cứu đưa ra đề xuất.
Các tác giả cũng nhận thức rằng chiến lược này có thể sẽ không làm hài lòng người Đài Loan. Nhưng cái giá phải trả “lại thấp hơn rất nhiều đối với người Đài Loan, nếu so với lời đe dọa chiến tranh giữa các cường quốc của Mỹ. Một cuộc chiến như vậy sẽ kéo dài và trên hết là mở rộng ra ngoài Đài Loan”, họ viết.
Ông McKinney nói với Nikkei Asia rằng kế hoạch của họ tận dụng yếu tố kinh tế để làm công cụ ngăn chặn và thêm rằng nó là “sự thay thế cho một cuộc chiến siêu cường ở vị trí cách Hawaii 5.000 dặm về phía Tây.”
Ông Harris nói: “Nếu Mỹ và Đài Loan muốn ngăn Trung Quốc tấn công, vậy thì họ nên tìm các biện pháp khác mà không cần dựa dẫm vào lời đe dọa về sự trả đũa của quân đội Mỹ. Dựa vào những lời đe dọa quân sự đang ngày càng trở nên kém tin cậy hơn và bởi vậy cũng nguy hiểm hơn.”
Theo Nikkei Asia