"Súng săn tầm xa" và kế hoạch chung bảo vệ Đài Loan của Mỹ và Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dù còn ít thông tin nhưng tờ Kyodo News của Nhật đưa tin rằng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí về một kế hoạch chúng để ứng phó với "trường hợp khẩn cấp" của Đài Loan.
Quân đội Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận năm 2014 (Ảnh: US Army)
Quân đội Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận năm 2014 (Ảnh: US Army)

Bản kế hoạch dự thảo được đề xuất đầu tiên bởi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, sau đó được soạn thảo bởi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và Lục quân Mỹ. Cụm từ “khẩn cấp” ở đây không được làm rõ.

Đây được xem là thông tin đầu tiên về nỗ lực lên kế hoạch chung giữa Mỹ và Nhật Bản đề phòng trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Mặc dù Mỹ gần đây tổ chức nhiều cuộc tập trận với Nhật Bản, như cuộc tập trận “Resolute Dragon”, và với các nước khác (không phải Đài Loan), nhưng các cuộc tập trận này không có một bộ tư lệnh chỉ đạo chung.

Theo kế hoạch dự thảo, Lục quân Mỹ, được hỗ trợ bởi quân đội Nhật Bản, sẽ thiết lập một căn cứ ở đảo Nansei, còn gọi là quần đảo Ryukyu trải dài từ đảo Kyushu của Nhật đến sát Đài Loan. Căn cứ này sẽ có nhiều binh sĩ Mỹ và các hệ thống pháo kích tầm xa, chủ yếu là Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS).

Kế hoạch không nêu rõ đảo nào trong quần đảo Ryukyu sẽ trở thành căn cứ Mỹ, nhưng rất có khả năng họ sẽ lựa chọn một hòn đảo gần nhất với Đài Loan. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản, vào đầu tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đảm bảo với phía Nhật Bản rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản sẽ bao gồm cả các hòn đảo ở phía Nam – chuỗi đảo Nansei.

Nhật Bản ngày càng tỏ rõ quan ngại về những hành động của Trung Quốc xung quanh những đảo này, việc Bắc Kinh sử dụng lực lượng hải cảnh như một công cụ để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của họ đối với ít nhất là một vài hòn đảo ở cực Nam của Nhật Bản.

Năm 2018, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới thăm đảo Yonaguni, hòn đảo nằm gần nhất với Đài Loan, chỉ khoảng 67 dặm (108 km). Đây là một cử chỉ khá bất thường và Nhật hoàng đã đặc biệt tới thăm Yonaguni để thể hiện sự kết nối của ông với Đài Loan, và tại hòn đảo này, ông đã “vẫy tay” chào những người bạn của ông ở Đài Loan.

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (Ảnh: Asia Times)

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (Ảnh: Asia Times)

Cản trở hoạt động của quân đội Mỹ

Năm 2020, khoảng 1.161 tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã trải qua 33 ngày ở vị trí xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Toshi Yoshihara – chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) ở Washington – cho rằng các hoạt động quấy rối của Trung Quốc có mục đích cuối cùng là giành quyền kiểm soát hiệu quả đối với biển Hoa Đông, từ đó gây khó dễ cho các hoạt động của quân đội Mỹ.

Đảo Yonaguni có dân số chỉ hơn 2.000 người. Nhật Bản hiện đang chế tạo một hệ thống phòng thủ điện tử trên hòn đảo này và triển khai thêm các trang thiết bị phòng không, mặc dù việc triển khai đầy đủ nhân sự trên đảo chỉ ít hơn 200 người.

Theo như kế hoạch dự thảo, Lục quân Mỹ sẽ di chuyển hệ thống HIMARS tới một trong số các hòn đảo, có khả năng nhất là Yonaguni bởi nó nằm rất gần với Đài Loan. Yonaguni cũng có một số khu vực có rừng bao phủ, nhiều tuyến đường, và một sân bay. Đường băng trên đảo dài khoảng 2 km, phù hợp để cho một chiếc máy bay C-130 hạ cánh. Hệ thống HIMARS hoàn toàn có thể vận chuyển bằng C-130.

HIMARS là hệ thống tên lửa được lắp đặt trên phương tiện có bánh xe. Mẫu hệ thống tiền nhiệm của nó, M270, sử dụng cùng loại đạn dược và đang sẵn có trong kho của Nhật Bản. Cả hai hệ thống đều có thể phóng được một số loại tên lửa khác nhau như M26, M30 và M31. M31 là tên lửa dẫn đường sử dụng hệ thống GPS và sẽ sớm có một phiên bản có tầm bắn xa hơn – khoảng 100 dặm.

HIMARS cũng có thể phóng các loại tên lửa lớn hơn có tên ATACMS, kích thước 610 mm và có tầm bắn 300 km. Đáng chú ý, hãng Lockheed Martin của Mỹ đang phát triển một loại tên lửa mới cho HIMARS, có tên PrSM. Loại tên lửa này được dự kiến sẽ nhập biên chế vào năm 2025, đủ khả năng tiêu diệt các hệ thống phòng không của địch thủ và cả tàu chiến trên biển.

Binh sĩ Mỹ tập luyện với hệ thống HIMARS tại Okinawa, Nhật Bản năm 2020 (Ảnh: US Army)

Binh sĩ Mỹ tập luyện với hệ thống HIMARS tại Okinawa, Nhật Bản năm 2020 (Ảnh: US Army)

“Súng săn tầm xa”

Từng có một nhà quan sát gọi hệ thống này là “súng săn tầm xa”. Ngoài quân đội Mỹ và Nhật Bản, Đài Loan trong tháng 6 năm nay cũng ký một thỏa thuận mua HIMARS cùng với hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Harpoon.

Một trong những lợi thế chính của hệ thống HIMARS chính là “bắn và chuồn”, có nghĩa rằng hệ thống này có thể được điều tới một khu vực, phóng tên lửa, sau đó nhanh chóng di chuyển tới địa điểm khác, khiến cho địch thủ rất khó định vị và tiêu diệt HIMARS.

Có lẽ điểm yếu nhất trong hướng tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề an ninh ở Đông Á – ngoài chính sách “mơ hồ chiến lược” với Đài Loan – chính là sự thiếu hoạch định chiến lược chung và thiếu một cấu trúc điều khiển chung. Sự thiếu thốn hoạch định và phối hợp khiến cho Mỹ khó có thể hợp tác và tối ưu hóa các chiến dịch quân sự.

Mặc dù có một hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản và có nhiều nỗ lực ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa thiết lập một dạng hệ thống phòng thủ chung đủ khả năng chống lại Trung Quốc, mà lại muốn hoạt động độc lập với các đồng minh.

Kế hoạch mà PACOM đề xuất, sẽ được đem ra thảo luận trong các cuộc họp “2+2” (Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng) giữa Nhật Bản và Mỹ, và sẽ được quyết định xem có được thực thi hay không.

Các nhà quan sát Nhật Bản đã chỉ ra rằng có nhiều khó khăn cần phải giải quyết để thực thi kế hoạch này, trong đó có vấn đề về sự giới hạn được quy định trong Hiến pháp Nhật đối với lực lượng phòng vệ của họ. Việc thực thi kế hoạch như vậy cũng sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các phe phái chính trị ở Nhật Bản, những người không muốn có một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Ví dụ, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập “đường dây nóng quân sự” bắt đầu từ năm 2022. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giải thích rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã nhấn mạnh với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và những vấn đề ở bên trong và xung quanh biển Hoa Đông.

Phía Trung Quốc lại không xác nhận rằng Nhật Bản đã nêu ra những vấn đề này. Không giống như ông Kishi, một chính trị gia dân sự, ông Ngụy Phượng Hòa là một tướng lĩnh quân sự từng chỉ huy các lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc.