Học đại học còn 3 năm: Giảm gánh nặng cho phụ huynh

“Là một cô gái tỉnh lẻ lên Hà Nội, em biết bố mẹ đã rất vất vả khi nuôi em ăn học. Chúng em vô tình đã trở thành gánh nặng của bố mẹ suốt 4 năm. Vì thế, nếu thực sự giảm thời gian đào tạo sẽ giảm gánh nặng cho nhiều phụ huynh", một sinh viên chia sẻ.
TS Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
TS Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

Ngày 6/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã kí tờ trình Thủ tướng Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo. Trong đó, thời gian đào tạo bậc ĐH chỉ còn từ 3-4 năm. Trước đó, theo khoản 2, điều 38 Luật giáo dục thì đào tạo trình độ ĐH từ 4-6 năm.

Trước thông tin này, TS Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Đây là đề xuất phù hợp với thực tiễn quốc tế. Thật ra khi đã tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ thay cho niên chế, thì số năm học không còn cố định mà có thể co giãn từ 2,5 năm đến 4-5 năm tùy người, tùy ngành.

Cứ tích lũy đủ số tín chỉ quy định thì cho sinh viên tốt nghiệp. Cách tổ chức này cho phép người học theo học với một nhịp điệu phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình. Hiện nay ngay ở Việt Nam cũng đã có một số trường đào tạo ĐH trong 2,5- 3 năm từ lâu như: Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường RMIT Việt Nam, Trường ĐH Việt Đức và Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH)”.

Cũng theo TS Phạm Thị Ly, thời gian đào tạo không quyết định chất lượng đào tạo. Nếu chương trình đào tạo không thiết thực, hữu ích, không trực tiếp nhắm tới kết quả đầu ra, thì học càng nhiều năm càng phí thời giờ. Cách nghĩ cho rằng học nhiều năm thì tốt hơn là cách nghĩ dựa trên quan niệm coi giáo dục là truyền đạt kiến thức, cho nên học càng lâu thì càng biết nhiều. Quan niệm này ngày nay đã lỗi thời, kể cả với giáo dục phổ thông.

Rất nhiều người lo lắng nếu đề xuất này được thông qua thì thời gian đào tạo ĐH và CĐ sẽ là ngang nhau sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường CĐ. Trước vấn đề này, TS Phạm thị Ly cho rằng, ĐH và CĐ không phải chỉ khác nhau về số năm đào tạo, mà khác nhau về mục tiêu đào tạo và do đó, cũng khác nhau trong cách xây dựng và thực hiện chương trình.

Các trường CĐ thực hiện mục tiêu đào tạo kỹ năng nghề nghiệp do đó hướng tới việc đào tạo ra những người lao động có khả năng thực thi thành thạo một số công việc chuyên môn cụ thể sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó mục tiêu đào tạo đại học đặt trọng tâm vào việc hình thành năng lực tư duy sáng tạo và khả năng tạo ra tri thức mới. Vì thế việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH không hề ảnh hưởng tới các trường CĐ.

Thế nhưng, trong thực tế nó có thể gây ra hiện tượng đổ xô vào học ĐH do tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ, làm trầm trọng thêm hiện trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay. Tuy vậy, điều này xảy ra không phải do thời gian đào tạo bằng nhau, mà vì chúng ta chưa làm tốt việc truyền thông. Nếu học sinh có đủ thông tin và đứng trước sự lựa chọn giữa học cao đẳng và ra trường với một trình độ thành thạo trong việc thực thi một công việc chuyên môn và có thể dễ dàng tìm việc kiếm sống, với một bên là tốt nghiệp ĐH nhưng có thể khó tìm việc thì có thể họ sẽ chọn học cao đẳng.

Trước đề xuất mới của Bộ GD&ĐT, em Nguyễn Thị Vân Hằng sinh viên khoa Tiếng Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Em rất ủng hộ việc giảm thời gian đào tạo ĐH từ 4-6 năm xuống còn 3-4 năm. Bởi lẽ, bản thân đã trải qua thời sinh viên em thấy thời gian quá dài gây lãng phí nhiều mặt. 

Như chúng em học chuyên ngành Phiên dịch nhưng năm thứ nhất và thứ hai phải học rất nhiều môn mà em thấy “thừa”, không phục vụ gì cho chuyên ngành cũng như công việc của em sau này. Điển hình như em phải học môn Ngữ dụng học, cô chỉ phát cho một tập tài liệu toàn có lý thuyết, về có đọc và nghiên cứu, tới lớp cô có giảng nhưng chúng em vẫn không hiểu gì và không áp dụng được gì.

Hơn thế, bản thân là một cô gái tỉnh lẻ lên Hà Nội học, em cảm nhận được rằng bố mẹ đã rất vất vả khi mỗi tháng phải gửi tiền cho em trang trải và tiếp tục theo đuổi ước mơ. Nhất là khi ở mảnh đất phồn hoa đô hội này cái gì cũng đắt đỏ, chi phí sinh hoạt của chúng em mỗi tháng hết gần ba triệu. Như vậy, chúng em vô tình đã trở thành gánh nặng của bố mẹ suốt 4 năm. Vì thế, nếu thực sự giảm thời gian đào tạo xuống 3 năm em nghĩ sẽ giảm được áp lực và gánh nặng cho nhiều phụ huynh”.

Theo Infonet