Hoạt động rà soát, tinh giản biên chế Nhà nước kéo dài từ 2015-2021

Trong quá trình thực hiện đề án, chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, đề án tinh giản biên chế mới mà Chính phủ mới đưa ra có mục đích cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Với đề án này, Chính phủ kỳ vọng sẽ chọn lựa được những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Chính sách tinh giản biên chế cũng sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Trong quá trình thực hiện chính sách (tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) sẽ xác định trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu.

 Trong năm 2015 sẽ tiến hành và đề án này sẽ kéo dài đến năm 2021. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, phạm vi điều chỉnh của đề án gồm tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập của cả hệ thống chính trị, gồm tất cả cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn.

 Đây là một nội dung các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải quan tâm. Khi tiến hành triển khai đề án, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng một kế hoạch về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 Bộ trưởng lưu ý, “trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu rất quan trọng trong việc quyết định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu

Cũng theo Bộ trưởng Bình, đề án về tinh giản biên chế đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai, tổ chức chỉ đạo thực hiện. Trong đó, sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, để trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 Một giải pháp khác là tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án, chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 Với đề án này, cũng sẽ xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.

 Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 Theo đánh giá của người đứng đầu Bộ Nội Vụ, những giải pháp này có những điều mới so với những kế hoạch, đề án trước đây. Đó là xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định biên chế phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ hai là trong thực hiện, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tổ chức chỉ đạo thực hiện.

 Thứ ba là giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Dân trí